Theo CIEM, quý III chứng kiến tỷ giá VND/USD biến động nhiều hơn so với quý trước. Trong quý, do đã được chủ động điều chỉnh tăng trong giai đoạn trước đó, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 0,28% so với cuối quý II. Tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại khá ổn định đến giữa tháng 7, sau đó tăng lên ở mặt bằng mới và gần hơn với mức trần cho phép.
Đến cuối tháng 9, tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại tăng 0,52% so với ngày 23/7 và 1,65% so với cuối tháng 6. Tỷ giá trên thị trường tự do luôn vượt tỷ giá của ngân hàng thương mại, dù đã giảm nhiệt từ giữa tháng 8.
Theo CIEM, so với lo ngại về rủi ro đối với tỷ giá trước quý III, diễn biến tỷ giá thực tế cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã làm khá hiệu quả vai trò điều hành của mình.
Nguyên nhân, theo CIEM, trước hết là do Ngân hàng Nhà nước chủ động ưu tiên kiểm soát lạm phát trong đó có xử lý áp lực tỷ giá, và không ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, truyền thông hiệu quả về nền tảng kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành tỷ giá, trong đó có định hướng chấm dứt tín dụng ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kết hợp linh hoạt nhiều công cụ, đặc biệt là lãi suất, chứ không chỉ là tham gia trực tiếp mua bán ngoại tệ.
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng cho rằng, công tác điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng có một số thuận lợi như: nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam, chưa có động thái rút vốn ra nước ngoài và thặng dư thương mại vẫn ở mức cao.
Trong thời gian tới, CIEM khuyến cáo cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản.
Theo đó, trước hết Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Công tác truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn. Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM lưu ý, trong điều hành cần tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá.
Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khuyến nghị, đồng USD ngày càng mạnh lên khi FED liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế.
“Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tỉnh theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.