Lãi suất tăng mạnh và nhanh kể từ quý 4/2022 đã khiến các ngân hàng phải đối mặt với áp lực chi phí vốn tăng cao và NIM thu hẹp. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh này, những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tốt trong hệ thống sẽ có lợi thế để chống chọi với xu hướng chi phí vốn tăng cao.
Tuy nhiên, việc cải thiện tỷ lệ CASA của các ngân hàng lại đang gặp khá nhiều khó khăn sau khi bị giảm mạnh trong quý 4/2022. Không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022.
Bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA cũng có sự thay đổi đáng kể. Hiện 5 ngân hàng đứng đầu vẫn là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Tuy nhiên, thứ hạng thì có sự xáo trộn.
Cả Techcombank và MB đều bị sụt giảm tỷ lệ CASA trong năm vừa qua, tuy nhiên sự sụt giảm mạnh tại Techcombank đã khiến nhà băng này để mất ngôi “vương” sau 2 năm liền.
Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank liên tục giảm kể từ quý 2/2022, khiến tỷ lệ CASA từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022. Theo giải thích của ngân hàng, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
Tương tự, MB cũng ghi nhận CASA sụt giảm, từ 48,7% (cuối năm 2021) xuống 40,6% (cuối năm 2022). Mức sụt giảm này nhẹ hơn so Techcombank, giúp MB quay lại vị trí TOP 1 sau nhiều năm bị “vượt mặt”.
TOP 3, TOP 4 cũng có sự xáo trộn. Hồi đầu năm 2022, MSB đã gây không ít bất ngờ khi là ngân hàng tầm trung duy nhất góp mặt vào TOP 5, không những thế còn nhỉnh hơn Vietcombank một chút về tỷ lệ CASA (đạt 35,8%). Tuy nhiên, cú sụt giảm mạnh trong quý 4 đã khiến tỷ lệ CASA của MSB tụt xuống còn 31,2%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Trong khi đó, tỷ lệ CASA của Vietcombank duy trì tốt hơn trong năm qua, chỉ giảm nhẹ từ 35,7% xuống 33,9%. Ngân hàng này đã áp dụng miễn toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số từ đầu năm 2022, được xem là chính sách quan trọng giúp Vietcombank có thể duy trì tỷ lệ CASA ổn định, bất chấp thị trường nhiều biến động. Xét về quy mô, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank vẫn là cao nhất thị trường.
ACB tiếp tục đứng vị trí TOP 5 với tỷ lệ CASA cuối năm 2022 đạt 22,2% (giảm so với 25,4% năm 2021).
Có thể thấy, khoảng cách trong TOP 4 ngân hàng đã được rút ngắn đáng kể. Nếu như cuối năm 2021, Techcombank cao hơn Vietcombank tới gần 15 điểm % thì hiện tại chỉ cách nhau 3 điểm %. Theo đó, cuộc đua trên bảng xếp hạng CASA có thể sẽ ngày càng gay cấn và nhiều bất ngờ hơn trong thời gian tới.
Đồ hoạ: Minh Vy
5 ngân hàng tiếp theo lọt vào TOP 10 gồm có: VietinBank (20%), Sacombank (19,2%), BIDV (18,8%), TPBank (18%), VPBank (17,7%).
Nhìn chung, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV duy trì CASA khá ổn định trong năm qua, số dư tăng so với cuối năm 2021. Kết quả này có được phần lớn nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cho ngân hàng số và miễn phí dịch vụ. Thêm vào đó, uy tín thương hiệu của ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước cũng giúp những nhà băng này hấp dẫn người gửi tiền trong năm 2022 đầy biến động.
Như đã đề cập, năm 2023, bài toán kiểm soát chi phí vốn, cải thiện tỷ lệ CASA sẽ là bài toán khó với nhiều ngân hàng, bởi nền lãi suất vẫn ở mức cao khiến người dân có xu hướng ưu tiên gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi.
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta, dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tỷ lệ CASA của ngành có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.