Trong suốt khoảng thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, thế giới đã tồn tại hai khối: Phương Đông và Phương Tây, ở đây các quốc gia được xác định theo các phe tuỳ thuộc vào việc họ đứng về phía Washington hay Moscow. Hiện tại, sau gần 30 năm khi Bức tường Berlin sụp đổ, những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang tái tạo sự chia rẽ về địa chính trị. Bởi vậy, các quốc gia khác hiện được đòi hỏi họ phải thể hiện rõ ràng quan điểm rằng mình đang đứng về phía Bắc Kinh hay Washington.
Một ví dụ gần đây nhất, đó là Ý đang chuẩn bị trở thành quốc gia G7 đầu tiên ký kết biên bản ghi nhớ về việc gia nhập dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Trong vài giờ đồng hồ, một phát ngôn viên Nhà Trắng đã chỉ trích kế hoạch này là "được Trung Quốc tạo ra, vì lợi ích của Trung Quốc" và cho rằng việc ký kết sẽ không mang lại lợi ích gì cho nước Ý. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản pháo, nhắc nhở người Mỹ rằng Ý là một quốc gia độc lập. Chủ tịch Tập Cận Bình đang lên kế hoạch tới Ý vào cuối tháng này để ký kết thoả thuận.
Sơ đồ chiến lược BRI của Trung Quốc.
Những ý kiến trái chiều về quyết định của Ý tham gia BRI chứng tỏ rõ ràng rằng những cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc đã lan ra toàn cầu. Sức hút kinh tế và chính trị của Trung Quốc đã không chỉ dừng ở phạm vi châu Á, mà còn lan tràn tới Mỹ La-tinh và Tây Âu, đây là những khu vực xưa nay vẫn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
Sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở nên rõ ràng, khi chính quyền Trump nổ những phát súng đầu tiên khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, kết thúc kỷ nguyên mà ở đó hai nước xem thương mại và đầu tư là lĩnh vực trung lập, tách rời khỏi cạnh tranh chiến lược. Đồng thời, tham vọng tuyệt đối từ BRI khiến Washington cực kỳ lo ngại rằng Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn trỗi dậy nhằm tiến lên vị trí siêu cường. Nếu BRI thành công, nó sẽ tạo mối liên kết với toàn bộ khu vực Á-Âu, trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc, đặc biệt có thể sẽ suy yếu tầm quan trọng của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Sự đối đầu giữa hai cường quốc trở nên công khai khi Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại.
Tại Washington, những dự án đầu tư lớn của Trung Quốc hiện đang thường xuyên được kiểm duyệt về tầm ảnh hưởng chiến lược của nó. Việc các công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các cảng trên toàn thế giới được Mỹ coi là một cuộc cạnh tranh trên biển với nước này. Hơn nữa, sự bành trướng trên quy mô quốc tế của Huawei đã trở thành một phần của cuộc đấu tranh trên mặt trận rộng lớn hơn nhằm tranh giành sức mạnh công nghệ và hoạt động gián điệp. Suốt nhiều tháng gần đây, quan chức Mỹ đã kêu gọi các đồng minh "tẩy chay" công nghệ 5G của công ty này, lập luận rằng đây có thể là mối nguy an ninh không thể chấp nhận được.
Một số đồng minh quan trọng của Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Úc, đã đứng về phía Mỹ trong vụ Huawei. Nhưng một số quốc gia khác, chẳng hạn như Anh, vẫn đang cân nhắc về việc này. Nếu Anh cho phép Huawei phát triển ở thị trường nước này, thì họ sẽ gặp nhiều rủi ro về vấn đề bảo mật và có thể phá vỡ những thoả thuận "quý báu" về trao đổi thông tin tình báo lâu nay với Mỹ. Còn nếu "tẩy chay" Huawei, Anh sẽ phải đối mặt với những thách thức về phát triển thương mại và đầu tư với Trung Quốc sau sự kiện Brexit.
Có thể thấy, lâm vào tình thế mắc kẹt giữa sự giằng co của Washington và Bắc Kinh đã đẩy các nước vào thế khó. Sau khi Canada chấp hành yêu cầu của Mỹ về việc dẫn độ và bắt giữ CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, thì phản ứng của Trung Quốc cực kỳ quyết liệt. Trong vài ngày sau đó, 3 công dân Canada đã bị Trung Quốc bắt giữ và họ khuyến cáo các giám đốc điều hành của nước mình phải cẩn thận khi du lịch ở Canada. Trường hợp tương tự, đó là khi Hàn Quốc chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc triển khai hệ thống chống tên lửa (THAAD), khiến lượng khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc giảm đáng kể và các cửa hàng của Tập đoàn Lotte ở đại lục cũng bị buộc phải đóng cửa sau khi bị kiểm tra "không đạt tiêu chuẩn an toàn".
Nhiều đồng minh của Mỹ rơi vào tình thế "mắc kẹt" giữa cuộc chiến của Mỹ và Huawei - Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ngày càng sẵn sàng gây áp lực trực tiếp lên các đồng minh lâu năm của Mỹ là minh chứng cho sự tự tin gia tăng của Bắc Kinh, điều này phản ánh cho sự biến chuyển về tiềm lực kinh tế. Khi các quốc gia nằm trong BRI đang cân nhắc xem liệu có nên chấp nhận những lời đề nghị hấp dẫn về cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh hay không, thì phía Mỹ cũng không đưa ra lời đề nghị tương tự nào để thay thế. Hơn nữa, cũng chưa có một công ty Mỹ nào có thể cung cấp dịch vụ tương tự như công nghệ 5G của Huawei.
Trong cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng, "con át chủ bài" của Trump thường là an ninh, thay vì thương mại. Các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Úc hiện đều có nhiều hoạt động thương mại với Trung Quốc hơn với Mỹ. Dẫu vậy, họ vẫn trông cậy vào Mỹ trong vấn đề bảo vệ về quân sự.
Lợi thế về an ninh của Mỹ có thể bị suy giảm nếu yêu cầu các nước đồng minh phải chi trả các chi phí quân sự ông Trump được thông qua. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không phát triển trong việc cung cấp những đảm bảo về an ninh. Chính vì vậy, trật tự thế giới hai khối mới dường như không dựa vào các liên minh quân sự như trong Chiến tranh Lạnh, khi khối Hiệp ước Vác-sa-va đối đầu với Nato.
Sự chia rẽ về địa chính trị có thể tạo nên từ yếu tố công nghệ.
Thay vào đó, công nghệ có thể là yếu tố nền tảng cho sự phân chia trật tự toàn cầu mới. Từ lâu, Trung Quốc đã cấm cửa Google và Facebook, còn bây giờ Mỹ đang khá chật vật để ngăn cản đà phát triển của Huawei. Với mối lo ngại về việc kiểm soát và chuyển dữ liệu qua biên giới đang tăng cao, các quốc gia có thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi buộc phải lựa chọn môi trường công nghệ của Mỹ hay của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự chia rẽ được châm ngòi bởi công nghệ vẫn chưa dừng ở đó. Dữ liệu và truyền thông hiện nay là nền tảng cho hầu hết các hình thức hoạt động kinh doanh và quân sự.
Thế giới hai khối của thời Chiến tranh Lạnh hiện đã được thay thế bằng kỷ nguyên toàn cầu hoá, còn chính toàn cầu hoá có thể bị đe doạ bởi sự "tái xuất" của một thế giới lưỡng cực mới là Mỹ - Trung Quốc.