Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, hợp tác xã có nguồn vốn kịp thời thu mua lúa gạo dự trữ cho người dân, từ phía ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trước hội nghị này, NHNN đã chủ động chỉ đạo các NHTM cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để DN thu mua lúa gạo cho nông dân. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN để phối hợp, có giải pháp tháo gỡ cụ thể như: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để thu mua kịp thời lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2018, riêng trong lĩnh vực lúa gạo, hệ thống TCTD trên địa bàn cả nước đã cho vay khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2017. Đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn ngành Ngân hàng ước đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay sản xuất lúa khoảng 23.000 tỷ đồng; cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo khoảng 63.000 tỷ đồng và cho vay chế biến, bảo quản lúa gạo khoảng 14.000 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL, tính đến hiện tại dư nợ cho vay lúa gạo chiếm khoảng 50% tổng dư nợ cho vay lúa gạo cả nước. Trong đó chủ yếu là cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo với dư nợ ước khoảng 28.000 tỷ đồng.
Toàn cảnh hội nghị
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018, Nghị định 116/2018 và Nghị định 107/2018 của Chính phủ.
NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét tăng hạn mức tín dụng và tiếp tục cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp lúa gạo.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ đồng hành, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu gạo thông qua các chính sách tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Trong buổi chiều ngày hôm nay, cũng tại Đồng Tháp, NHNN Việt Nam cùng với NHNN chi nhánh Đồng Tháp tổ chức ngay Hội nghị ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực ĐBSCL. Tại đây, các TCTD sẽ nêu ra những giải pháp cung ứng vốn vay và những cam kết cụ thể trong hoạt động thúc đẩy cho vay ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị về tình hình sản xuất – chế biến và tiêu thụ lúa gạo trên cả nước và khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm nay, cả nước sẽ gieo cấy khoảng 7.600 ha lúa các loại. Riêng khu vực ĐBSCL sẽ gieo cấy khoảng 4.100 ha với năng suất khoảng 60,3 tạ/ha. Tổng sản lượng lúa thu được trong năm 2019 của cả nước sẽ đạt khoảng 44,65 triệu tấn. Trong đó riêng khu vực ĐBSCL đóng góp khoảng 25,2 triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong năm nay lượng gạo xuất khẩu được cân đối ở mức khoảng 6,89 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân dự kiến xuất nhiều nhất với khoảng gần 3,7 triệu tấn. Số còn lại chia đều cho các vụ hè thu (tháng 5 - tháng 9), thu đông (tháng 9 - tháng 11) và vụ mùa (trong tháng 12).
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT trong quý I/2019 các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch được khoảng 10 triệu tấn lúa khô, đủ để chế biến khoảng 3,6 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn lúa tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thu mua lúa gạo nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL đã sụt giảm khá mạnh. Lúa IR 50404 ở thời điểm cuối tháng 2 vừa qua mua tại ruộng chỉ ở mức 4.200-4.400 đồng/kg, lúa hạt dài OM 504 cũng chỉ còn 4.500 đồng/kg. Chính vì vậy thời điểm này việc đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo cho người dân khu vực ĐBSCL là yêu cầu cần thiết và cấp bách.
|