Đặc biệt, vẫn có tới 11 tỉnh và 7 Bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn ODA nào. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên rất cần có những giải pháp thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Bộ được phân bổ vốn ODA lớn nhất và cũng có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Bộ GTVT cũng mới chỉ giải ngân được gần 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các địa phương và Bộ, ngành đều đổ lỗi cho việc phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh nên tỷ lệ giải ngân đã không đạt kế hoạch.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, nguyên nhân chậm trễ còn là do các cơ quan chủ quản và ban quản lý dự án đã chậm triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu, xác định khối lượng hoàn thành và chậm hoàn thiện các thủ tục giải ngân.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA còn nhiều vướng mắc cũng là một nguyên nhân gây chậm trễ.
Ông Raul Kitchlu - Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: "Giải ngân chỉ là khâu cuối cùng, trước đó là cả một quy trình làm việc và quy trình này chỉ hiệu quả nếu từng công đoạn cũng được triển khai hiệu quả. Về vấn đề này, các Ban quản lý dự án đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần đảm bảo rằng họ có nguồn lực, năng lực và động lực phù hợp để thực hiện các dự án trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thực hiện".
Các địa phương đến nay mới chỉ giải ngân vốn ODA được khoảng khoảng 9,8% và các Bộ, ngành cũng chỉ đạt hơn 19%. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Trong khi nguồn vốn cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế sau dịch đang bị thiếu nhưng 9 Bộ, ngành vừa đề nghị trả lại hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm hơn 44% kế hoạch vốn và các tỉnh cũng trả gần 10.000 tỷ đồng chiếm gần 30% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn không giải ngân được này sẽ phải báo cáo Quốc hội xem xét hủy, nên Bộ Tài chính đề nghị các địa phương và các Bộ, ngành có văn bản xin điều chỉnh kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/10 để tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính lượng vốn vay nước ngoài không giải ngân được phải trả lại của năm nay là rất cao, sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn vốn của năm sau vì muốn bổ sung phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn.
Do vậy, khuyến cáo được Bộ Tài chính đưa ra là việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm sau của các Bộ, ngành và địa phương cần đúng, đủ, sát thực tế, hạn chế việc giao thừa, giao không đủ điều kiện phân bổ dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn phân bổ như năm nay.