Ứng dụng mạnh trong các công cụ marketing
Chuyên gia Charles Ng - Phó chủ tịch mảng AI doanh nghiệp thuộc Cty Appier đóng tại Việt Nam - cho biết: “AI hiện đang có tốc độ phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực mà nó có thể giúp giải quyết các vấn đề một cách dễ dàng. Các sản phẩm như phần mềm phiên dịch, xe hơi tự lái… dần trở nên hoàn thiện hơn dưới sư hỗ trợ của AI”. Theo ông Charles Ng, lĩnh vực tiếp thị (marketing) ở Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ để ứng dụng AI.
CEO của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki – ông Trần Ngọc Thái Sơn – từng cho biết, Cty này đã thiết lập một nhóm kĩ sư chuyên nghiên cứu AI để ứng dụng vào hoạt động marketing cả sản phẩm lẫn thương hiệu, giúp quảng bá sản phẩm theo thời gian thực, cá nhân hóa các thông điệp quảng cáo, các banner quảng cáo sản phẩm có thể tự “chạy” theo các khách hàng mục tiêu khi họ online.v.v...
Theo ông Nguyễn Trung Công – Giám đốc công nghệ của Thiên Minh Group, AI và ML (học máy) được ứng dụng tại doanh nghiệp này trong các chatbot tương tác với khách hàng, qua đó ghi nhận các sở thích, thói quen.v.v… để nghiên cứu đưa ra các gói sản phẩm lữ hành phù hợp.
AI có “cái nhìn xuyên thấu”
Một đơn cử về việc ứng dụng AI vào TMĐT được chia sẻ: Giả dụ có một người phụ nữ thường xuyên lên Google tìm kiếm các thông tin về phụ nữ mang thai, cách dưỡng thai và những chuẩn bị cần thiết cho bà bầu trước khi lâm bồn.v.v… Và từ Google, người phụ nữ đó được link vào các trang TMĐT để tìm mua các sản phẩm liên quan tới nhu cầu.
Lập tức, AI sẽ phân tích và suy luận lôgic trên các dữ liệu về hành vi online của người phụ nữ này và đề xuất thêm những sản phẩm liên quan tới bà bầu, trẻ sơ sinh…, giúp cho khả năng tăng doanh số bán hàng.
Gần đây, Chủ tịch tập đoàn công nghệ CMC – ông Nguyễn Trung Chính – cho rằng, sau khi điện toán đám mây (Cloud Computing) đã phổ biến tại Việt Nam thì dấu mốc tiếp theo của các doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp công nghệ chính là AI.
Một đơn cử khác: Nếu một khách hàng thường xuyên lên một trang TMĐT tìm hiểu, xem, thậm chí đặt mua các sản phẩm về thể thao như giày, quần áo.v.v… thì AI tích hợp trên trang TMĐT có thể phân tích các dữ liệu để đưa ra các đề xuất mới liên quan tới nhu cầu và sở thích mua sắm của người này. Thậm chí, mỗi lần có những chương trình khuyến mãi các sản phẩm thể thao, phượt, leo núi.v.v…, AI sẽ tự động gửi thông tin khi người này online.
Tuy nhiên theo ông Charles Ng, thách thức lớn nhất mà các nhà tiếp thị và các doanh nghiệp tại Việt Nam phải vượt qua khi áp dụng AI chính là vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu cần thiết. Nguồn dữ liệu lớn lưu trữ trên đám mây chính là cơ sở để AI phân tích, nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ngày nay nếu bạn lên các trang cung cấp dịch vụ/bán hàng online, ứng dụng chatbot có thể sẽ hiện lên ngay câu hỏi đầu tiên “anh/chị cần em hỗ trợ gì không ạ?”. Cho dù trong chatbot có hiển thị hình ảnh và tên của nhân viên tư vấn nhưng bạn đừng vội cho rằng câu hỏi trên là của nhân viên đó. Chính xác hơn thì câu hỏi đó là của máy được lập trình bởi AI và ML để thay thế con người suốt 24/7.
Một con số được ông Huỳnh Lâm Hồ - Giám đốc Cty công nghệ Haravan – cho biết: Chỉ riêng những hộ kinh doanh trên Facebook hiện đã có đến 60.000 người sử dụng ứng dụng chatbot với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo – AI và học máy.