Nguồn kinh phí để Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động trích từ 10% tổng thu phí cấp thị thực vào Việt Nam cho người nước ngoài và 5% tổng thu phí tham quan của năm trước đó tại các điểm du lịch trong cả nước.
Đó là quy định mới nhất tại Thông tư số 12/2022/TT-BTC ngày 22/2/2022 hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nhờ đó, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua.
Cụ thể, để có tiền cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động, Bộ Tài chính sẽ bố trí kinh phí theo dự toán hằng năm bằng 10% tổng thu từ phí cấp thị thực vào Việt Nam cho người nước ngoài và bằng 5% tổng thu từ phí thăm quan khu du lịch, điểm du lịch của năm trước liền kề năm hiện hành.
Thông tư 12 quy định rõ, về xúc tiến, quảng bá du lịch, Quỹ sẽ chi cho các hoạt động tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam; tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên quốc gia, khu vực và quốc tế; quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo và các sự kiện xúc tiến du lịch...
Thông tư 12 tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam thời gian tới, đặc biệt khi nước ta mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 |
Đặc biệt, nội dung mới được đưa vào Thông tư là đón những người nổi tiếng và có ảnh hưởng đến quảng bá du lịch Việt Nam, tổ chức các chương trình truyền hình thực tế đã bắt kịp xu thế truyền thông phổ biến.
Đồng thời, Quỹ cũng hỗ trợ phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của kinh tế số, nền tảng số.
Về chi cho phát triển du lịch, Quỹ sẽ hỗ trợ cho việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; triển khai thực hiện các hoạt động truyền thống du lịch trong cộng đồng...
Trong đó, với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa; đào tạo trên 3 tháng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Khi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng kiến về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng với giải tập thể, 15 triệu đồng với giải cá nhân.
Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 1 hoạt động và 1 lần trong năm).
Thông tư nêu rõ, Bộ VH-TT&DL và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu quả, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác; đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định.
Hiện kinh phí của Việt Nam cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch quá hạn hẹp. Thông thường, các nước chi từ 60 đến 100 triệu USD hằng năm, trong khi thực tế chúng ta chỉ chi khoảng 2 triệu USD/năm cho hoạt động này.
Ngọc Hà