Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu 914 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trái cây tăng 213 tỷ lên 538 tỷ đồng - chiếm đến 60% tổng doanh thu Công ty, nguyên nhân do diện tích thu hoạch tăng. Doanh thu bán heo năm đầu phát sinh với 121 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu mủ cao su giảm nhẹ xuống 105 tỷ, doanh thu sản phẩm hàng hoá cũng giảm do Công ty chủ trương tập trung cây ăn trái.
Giá vốn tăng mạnh với 1.082 tỷ đồng, riêng mảng cây ăn trái ghi nhận đến 430 tỷ giá vốn. Khấu trừ, HAG lỗ gộp 168 tỷ đồng.
Về mảng tài chính, doanh thu quý 4 tăng do ghi nhận lãi từ thanh lý các khoản đầu tư, chi phí dù được tiết giảm đáng kể (giảm 439 tỷ đồng) song vẫn ở mức tương đối cao 503 tỷ đồng. Trong đó: chi phí lãi vay 497 tỷ, cần nhấn mạnh sau thời gian tái cấu trúc giảm mạnh lãi vay ngân hàng, HAG đã được phép và tiến hành tăng vay trở lại để đầu tư cho mảng cốt lõi là trái cây; Công ty quý cuối năm nay không còn ghi nhận lỗ thanh ý đầu tư cũng như lỗ chênh lệch tỷ giá.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận đột biến với 920 tỷ đồng, chủ yếu lập dự phòng với gần 800 tỷ đồng. Do đó, HAG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên đến 868 tỷ đồng.
Theo giải trình, giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn tới lỗ gộp trong quý 4/2020, chưa kể Công ty cũng ghi nhận dự phòng theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao.
HAG cũng giải trình việc điều chỉnh hồi tố theo ý kiến kiểm toán tại BCTC 2018, 2019, liên quan đến các khoản phải thu ngắn & dài hạn tồn đọng. Đến nay, trong bối cảnh hoạt động SXKD bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, Ban Tổng Giám đốc HAG đã thực hiện theo nguyên tắc thận trọng, rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu. Công ty theo đó quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC hợp nhất 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho năm 2020, nhằm không tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.
"Trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo cho phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần", phía HAG cho biết thêm.
Ngoài ra, HAG cũng tiến hành đánh giá lại các hoạt động không hiệu quả, phát sinh tăng chi phí khác với 679 tỷ đồng. Chi tiết là trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Chăn nuôi Gia Lai.
Được biết, vào ngày 15/9/2020, HAG đã hoàn tất chuyển đổi số dư nợ phải thu và nợ cho vay Chăn nuôi Gia Lai thành 586,6 triệu cổ phần, tương ứng 88,03% vốn cổ phần Chăn nuôi Gia Lai.
Khấu trừ tất cả chi phí, HAG lỗ trước thuế đến 1.520 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 1.173,5 tỷ đồng – cao gấp 2 lần mức lỗ hồi quý 4/2019. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của HAG theo quý từ khi thành lập.
Luỹ kế cả năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu 3.105 tỷ đồng, tăng so với mức 2.092 tỷ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, HAG lỗ sau thuế 2.175 tỷ, lỗ ròng 1.201 tỷ đồng – trong khi năm 2019 có lãi ròng trở lại với 190 triệu đồng.
Đầu năm 2021, ban lãnh đạo HAG đã thông qua việc phát hành tăng vốn cho HAGL Agrico (HNG), đồng nghĩa với việc giao lại công ty nông nghiệp cho Thaco. Riêng bầu Đức, không còn là cổ đông lớn nhất HAGL Agrico, ông cho biết sẽ tập trung nhiều hơn cho HAG, vì HAG thực tế còn rất khó khăn.
Theo ước tính của ông, HAG còn nợ đâu đó 8.000 tỷ đồng. Trong vòng vài năm tới, Công ty đặt trọng tâm là trả hết nợ, sau đó sẽ coi như làm lại từ đầu. Tính đến 31/12/2020, lỗ lũy kế HAG vào mức 5.086 tỷ đồng.