Bangkok Post dẫn lời ông Luckchai Kittipol, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô, nhất là ở Mỹ và châu Âu, phải đóng cửa hoặc sản xuất chậm lại, kéo theo nhu cầu lốp xe giảm sút. Đây cũng là lý do khiến cho giá cao su thế giới nói chung và Thái Lan nói riêng giảm mạnh trong quý I/2020, sau đó duy trì thấp kéo dài đến gần hết tháng 7/2020 và mới chỉ hồi phục chút ít kể từ tháng 8/2020.
Theo ông Luckchai, sản lượng và xuất khẩu cao su Thái Lan năm 2020 dự báo sẽ đều giảm. Cụ thể, sản lượng ước tính chỉ đạt 4,7 triệu tấn, và xuất khẩu chỉ khoảng 3,8-3,9 triệu tấn (thấp hơn mức sản lượng 4,8 triệu tấn và xuất khẩu 3,97 triệu tấn của năm 2019). Trị giá xuất khẩu dự báo sẽ giảm 10% so với năm ngoái, chỉ đạt 170 tỷ baht, do nhu cầu sụt giảm vì đại dịch.
Là nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, giá cao su Thái Lan đã giảm từ năm 2011 và nhìn trên tổng thể vẫn thấy xu hướng giảm tiếp, do nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới tăng, trong khi sức cạnh tranh của cao su Thái Lan trên thị trường quốc tế giảm sút, nhất là trong vòng hơn 1 năm qua, do tỷ giá đồng baht tăng mạnh so với USD.
"Nhu cầu ô tô nói chung trên toàn cầu giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly/giãn cách xã hội để chống Covid-19. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế toàn cầu và tâm lý kinh doanh sa sút cũng đè nặng lên ngành ô tô, làm giảm nhu cầu mua", ông Luckchai cho biết.
Theo nguồn Bộ Công Thương Trung Quốc, nhập khẩu cao su tự nhiên vào thị trường Trung Quốc (mã HS 4001) trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 1,15 tỷ USD. Thái Lan là nhà cung cấp cao su thiên nhiên lớn nhất cho Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ngành cao su Thái Lan năm nay được bù đắp bởi xuất khẩu găng tay tăng. Theo Bộ Thương mại nước này, nhu cầu găng tay cao su bảo hộ trên toàn cầu năm nay tăng vọt do Covid-19 khiến cho xuất khẩu găng tay cao su của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh 16% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 449 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Thái Lan tăng trưởng rất tốt: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 130% lên 31 triệu USD, Australia tăng 79% lên 9,6 triệu USD, ASEAN tăng 77,1% lên 18,3 triệu USD, Hàn Quốc tăng 55,3% lên 7,9 triệu USD và Ấn Độ tăng 28,5% lên 8,3 triệu USD. Xuất khẩu sang một số thị trường không có FTA với Thái Lan cũng tăng manh, như sang Mỹ tăng 9,1% lên 194 triệu USD và Brazil tăng 69,4% lên 11,6 triệu USD.
Thái Lan đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến, chỉ sau Trung Quốc, Đức và Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm kể trên năm 2019 của nước này đạt 11,2 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước đó. Các thị trường xuất khẩu chủ chốt gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Australia; trong đó lốp ô tô chiếm 51% tổng kim ngạch, tiếp đến là cao su tổng hợp (19%) và găng tay cao su (11%).
Sản xuất găng tay cao su của Thái Lan năm 2019 đạt hơn 20 tỷ đôi, trong đó 89% được xuất khẩu, thu về 1,2 tỷ USD. Thái Lan là nước xuất khẩu găng tay cao su lớn thứ 3 thế giới, sau Malaysia và Trung Quốc.
Mặc dù dự báo kinh doanh năm nay sẽ khó khăn, song ông Luckchai kỳ vọng giá cao su nhìn chung sẽ tăng nhẹ khoảng 3-5% từ nay đến cuối năm, nhờ nhu cầu găng tay cao su tăng và giá dầu mỏ ổn định.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) tháng 7/2020 dự đoán sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu có khả năng giảm 4,7% trong năm nay xuống 13,1 triệu tấn do đại dịch Covid-19 làm suy nhu cầu năm 2020 giảm 6% xuống 12,9 triệu tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, năm nay có thể giảm 5,1% so với 2019, xuống 4,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu ở Ấn Độ - nước tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới và cũng là một nước sản xuất cao su lớn – dự báo giảm 21,3% do ngành công nghiệp ô tô phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong thời gian dài.