6 năm tới, ngành sản xuất điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm kép 5%
Nhìn chung, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sang Việt Nam, nhu cầu thuê cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp trong nước sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam hiện có khả năng cạnh tranh cao, cải cách thị trường và điều kiện kinh doanh ngày càng thuận lợi. Theo đó, Việt Nam đang vượt lên trên các đối thủ khác.
Trong bối cảnh Covid-19 cùng chủ nghĩa bảo hộ khiến nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng, Việt Nam vẫn đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà sản xuất xuất khẩu. Trong giai đoạn 2020-2026, ước tính thị trường dịch vụ sản xuất điện tử của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm kép là 5%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tháng 10/2020, sản lượng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 369,6 triệu chiếc. Theo sau là lĩnh vực linh kiện điện tử, với 325,7 triệu chiếc.
Doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng quy mô đáng kể nhờ việc lĩnh vực chế tạo đang tăng trưởng theo cấp số nhân, cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô. Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp hàng điện tử toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn... đang đầu tư vào sản xuất bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, máy in, điện thoại và các thiết bị điện tử khác trong nước.
Lợi thế khiến loạt doanh nghiệp ngoại chọn Việt Nam
Năm 2020, Samsung là một trong những doanh nghiệp có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2020. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung. Dự kiến đến năm 2022, Samsung sẽ hoàn thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam.
Những yếu tố như việc không ngừng cải thiện chính sách đầu tư và kinh doanh, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tăng vốn FDI cùng vị trí địa lý thuận lợi là những lợi thế của Việt Nam trong việc trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp ngoại.
Đến năm 2027, Pegatron sẽ đầu tư gần 1 tỷ USD vào nhà máy Việt Nam theo 3 giai đoạn, hướng đến các ngành máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đó, Foxconn cũng đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Mới đây, Foxconn đã được cấp phép xây dựng nhà máy trị giá 270 triệu USD để sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng tại Việt Nam.
Google cũng đang chuyển hoạt động sản xuất thương hiệu điện thoại thông minh Pixel cho thị trường Mỹ sang Việt Nam. Nhiều khả năng Google sẽ chuyển hoạt động sản xuất phần cứng sang Việt Nam. Loạt "ông lớn" như Samsung, Intel và Microsoft cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự.
Xiaomi đang hướng tới việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các điều kiện thị trường thuận lợi khác tại Việt Nam. Mới đây, công ty này đã khai trương nhà máy lắp ráp điện thoại đầu tiên tại Việt Nam.
Một trong những chiến lược toàn diện ấn tượng của Việt Nam kéo dài từ 5-10 năm phải kể đến đó là "Made in Vietnam 2025: Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035". Những chính sách tương tự trước đó không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng của đất nước trong 30 năm qua, mà còn tạo điều kiện tiếp nhận ngành công nghiệp từ Trung Quốc, đặc biệt là cuộc chuyển dịch do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.