Tại buổi giao lưu trực tuyến "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm", ông Bùi Sỹ Tân, Phó Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Vietcombank nhận định khi xu hướng đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam thì thị trường Việt Nam ngày càng có lợi thế.
Chứng khoán Mỹ, Trung Quốc hồi phục rất mạnh từ đầu năm nhưng chứng khoán Việt lại khá ảm đạm. Theo ông, đâu là những lý do cản trở sự khởi sắc của thị trường?
Ông Bùi Sỹ Tân: Theo đuổi phương châm đầu tư giá trị, chúng tôi thấy chưa đến mức lo ngại về việc gọi là ảm đạm của thị trường. Mặc dù thống kê thanh khoản toàn thị trường trong Q1/2019 sụt giảm 13,3% so với quý trước và 53,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trong quý 1 với giá trị lên đến hơn 200 triệu USD. Thị trường trầm lắng hơn so với một số thị trường quốc tế, theo chúng tôi, có thể do tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ở nước ta cao hơn, theo con số không chính thức, là trên 80%.
Nếu nói về sự ảm đạm, giai đoạn 2011-2017, thị trường ít được chú ý thì VN-Index tăng từ 350 điểm lên trên 800 điểm (tức là tăng gần 500 điểm). Trong khi đó, giai đoạn sôi động từ giữa 2017 đến nay, khi thị trường được chú ý nhiều hơn thì chỉ tăng trưởng khoảng 200-300 điểm tiếp theo là tối đa. Điều này nằm trong một quy luật tâm lý, khi không được chú ý nhiều thì chúng ta lại có thể âm thầm phát triển rất tốt. Và sau một giai đoạn sôi động mạnh, thì việc trầm lắng phù hợp với việc tích lũy của nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Thời gian qua thị trường đã đón nhận những dòng vốn gián tiếp lớn đến từ Hàn Quốc hay Thái Lan. Liệu sắp tới sẽ có tiếp tục có thêm dòng vốn lớn đổ vào thị trường?
Tốc độ phát triển GDP ở mức cao so với thế giới cũng như giá trị nền kinh tế Việt Nam lọt vào top 50 quốc tế cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.
Mặt khác, so với các nước trong khu vực, mặc dù tốc độ tăng trưởng cao hơn nhưng định giá doanh nghiệp theo thị trường lại thấp hơn. Theo thống kê của VCBF tại thời điểm đầu tháng 4/2019, chỉ số so sánh tương đối định giá thị trường Việt Nam chỉ cao hơn Trung Quốc và thấp hơn tất cả các nước trong khu vực. Như vậy, khi xu hướng đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam thì thị trường Việt Nam ngày càng có lợi thế.
Chúng tôi cũng thấy khi dòng vốn đổ vào thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những cơ sở vững chắc và không rút ra nhanh chóng. Do vậy, kỳ vọng tiếp tục có các dòng vốn vào thị trường Việt Nam là rất khả thi. Tất nhiên, như đã đề cập, vấn đề lớn là chúng ta có hàng hóa đủ quy mô và minh bạch, có thể đầu tư được.
Theo ông lạm phát có phải là mối lo lớn đối với thị trường và kinh tế trong năm nay?
Là công ty quản lý quỹ, có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài và các đơn vị tư vấn nước ngoài, chúng tôi nhận được luồng thông tin từ các đối tác là họ đánh giá rất cao công tác quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt nếu so sánh với bức tranh 10-15 năm trước.
Các mục tiêu phát triển được giữ ở mức cao và ổn định. Riêng lạm phát, từ đầu năm 2019 đến nay, CPI bình quân quý 1 chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng CPI thấp nhất trong 3 năm qua.
Chúng tôi đánh giá áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong các quý còn lại của năm nay, khi Chính phủ vừa điều chỉnh tăng giá điện lên 8,36% vào cuối tháng 3. Thêm vào đó, giá thịt lợn có thể sẽ tăng trong thời gian tới sau dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, áp lực này không ở mức lo ngại.
Ở mặt tích cực, chúng tôi nhận thấy việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng thận trọng của Ngân hàng Nhà nước và việc quản lý cung tiền linh hoạt sẽ giúp kiểm soát lạm phát quanh mức 4% như mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm nay.
Một số nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản liệu có tiếp tục khởi sắc như năm 2018?
Đối với dệt may, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đã tăng 10,9%, và với tín hiệu đơn hàng khả quan từ các doanh nghiệp thì khả năng đạt mục tiêu kim ngạch 40 tỷ USD là hoàn toàn khả thi. Về dài hạn, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra (bằng chứng là xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng 2 con số trong những năm vừa qua và thị phần hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ liên tục tăng trong khi thị phần hàng Trung Quốc thì giảm). Ngoài ra, CPTPP còn mở ra các thị trường mới cho hàng dệt may Việt Nam, và sắp tới nếu EVFTA được ký kết cũng giúp gia tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường này.
Đối với xuất khẩu thủy sản, ba tháng đầu năm tăng trưởng tương đối thấp, chỉ đạt 1,4%. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đặc điểm của nhóm ngành này biến động tương đối cao hơn trong các năm. Tuy nhiên về dài hạn, thông tin hiện nay vẫn là tích cực, về các hiệp định CPTPP và EVFTA. Ngoài ra, đối với thị trường Mỹ, đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam dự kiến cũng sẽ áp mức thuế chính thức thấp hơn nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam so với trước, trong khi mức thuế sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 13 đối với sản phẩm tôm cũng giảm xuống bằng 0%.
Theo đánh giá của ông, ngành nào sẽ có lợi thế trong 9 tháng cuối năm 2019?
Trong các ngành, chúng tôi đánh giá rất cao điểm sáng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vì theo chúng tôi đây là ngành tạo ra giá trị tích lũy lâu dài. Quý I năm 2019, ngành này tiếp tục là điểm sáng với mức tăng 11,1%. Ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp vào GDP lớn như bán buôn, bán lẻ, hoạt động tài chính, lưu trú, ăn uống, kho bãi tăng ổn định và cao hơn giai đoạn trước là động lực để giữ tăng trưởng GDP của chúng ta ở mức cao ở bình diện quốc tế. Trong số này chúng tôi ấn tượng với con số tốc độ phát triển của ngành du lịch trên 30%/năm trong các năm qua.
Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, cũng không thể không đề cập đến đánh giá khối sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Tương ứng, chúng tôi chú ý đến nhóm ngành liên quan như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, hạ tầng điện nước.
Xin cảm ơn ông.