Tuần trước, giá dầu tăng mạnh nhất trong 8 tháng trở lại đây do bất ổn địa chính trị giữa Mỹ và Syria.
Mặc dù Syria không phải là quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhưng bất ổn khu vực Trung Đông lại tạo áp lực lên nguồn cung dầu.
Tại Sàn giao dịch Hàng hóa New York, hợp đồng dầu tháng 5 tăng 32 cent lên 67,4 USD/thùng. Tại Sàn giao dịch Hàng hóa Liên lục địa London, giá dầu Brent tăng 58 cent lên 72,6 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 8,6% và 8,2%.
Ngoài yếu tố bất ổn địa chính trị, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và 10 quốc gia khác cũng là động lực thúc đẩy giá dầu. Hôm thứ năm (12/4), OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức tháng 3 giảm xuống 31,96 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, thông tin số lượng giàn khoan Mỹ tăng 7 giàn lên 815 giàn làm hạn chế đà tăng giá dầu. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của nước này tăng lên ngưỡng kỷ lục 10,52 triệu thùng/ngày.
Trong tuần này, thị trường tiếp tục theo dõi dữ liệu dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu của Mỹ được công bố vào thứ ba và thứ tư nhằm đánh giá nhu cầu của thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Syria tiếp tục là động lực tăng giá dầu. Thứ sáu tuần trước quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã phối hợp mở đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Syria, để trả đũa vụ tập kích nghi dùng vũ khí hóa học ở Douma.
Một số sự kiện được cho là sẽ ảnh hưởng tới giá dầu trong tuần này:
Thứ ba
Viện Dầu khí Mỹ công bố báo cáo nguồn cung dầu thô hàng tuần.
Thứ tư
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo trữ lượng xăng và dầu của Mỹ.
Thứ năm
Chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tháng về trữ lượng khí gas.
Thứ sáu
Baker Hughes công bố dữ liệu hàng tuần về số lượng giàn khoan Mỹ.