Giá dầu Brent cũng giảm 5 trong 6 tuần qua, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại tranh chấp thương mại toàn cầu, nổi bật là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu, giảm nhu cầu năng lượng. Trung Quốc mới đây thông báo sẽ áp thuế 25% với 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Các thông tin nguồn cung tăng nhanh hơn từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới cũng đẩy thị trường đi xuống. OPEC cùng những nước phi thành viên, do Nga dẫn đầu, trong tháng 6 nhất trí nới lỏng hạn chế sản lượng để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Libya, Venezuela và Iran. Thỏa thuận sẽ giúp tổng nguồn cung tăng 1 triệu thùng/ngày.
Một dấu hiệu đáng lo ngại nữa là các công ty năng lượng Mỹ đã triển khai thêm nhiều gian khoan, cho thấy sản lượng tiếp tục tăng. Tính đến hết tuần trước, tổng số giàn khoan dầu của Mỹ tăng thêm 10, là 869, nhiều nhất kể từ tháng 3/2015, theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.
Thị trường phần nào được hỗ trợ từ việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với Iran, có hiệu lực từ tháng 11, ảnh hưởng dến xuất khẩu dầu của Tehran. Mỹ hồi tháng 5 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 10/8 đã xác nhận nguồn cung từ Iran tiếp tục giảm trong tháng 7. Sản lượng dầu từ Iran đang ở 3,75 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Các bên mua như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã rút đơn đặt hàng.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong tuần.
Ngày 13/8
OPEC công bố đánh giá hàng tháng về thị trường dầu.
Ngày 14/8
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố cập nhật hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 15/8
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu.
Ngày 17/8
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về giàn khoan dầu của Mỹ.