Khó khăn dần được tháo gỡ
CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) trong nhiều năm trở lại đây khá nổi tiếng trên thị trường nhưng là bởi những mâu thuẫn kéo dài trong nội bộ, sự không đồng thuận của các cổ đông trong khi hoạt động kinh doanh không có điểm nổi bật thậm chí thụt lùi.
Trong bối cảnh thời đại thay đổi chóng mặt trước tác động của công nghệ và mở cửa thương mại, PNC bị kìm hãm bởi những mâu thuẫn nội bộ làm cho các kế hoạch kinh doanh, chiến lược mở rộng không thể được thông qua. Trong khi đối thủ là CTCP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) có kết quả cải thiện qua từng năm thì lợi nhuận của Phương Nam hao mòn dần và xuất hiện khoản lỗ 66,5 tỷ đồng năm 2017.
Tuy nhiên, tình hình có sự thay đổi lớn khi kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường lần 3 diễn ra tháng 10/2017 đã nhận được sự đồng thuận cao của cổ đông ở nhiều vấn đề. Một nội dung quan trọng là sự thay máu gần như hoàn toàn dàn lãnh đạo cao cấp. Cụ thể, các thành viên HĐQT gần như thay mới chỉ giữ lại ông Nguyễn Hữu Hoạt vốn là Thành viên HĐQT cũ kiêm Tổng giám đốc công ty. Trong đó, ông Đặng Bá Tùng làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 thay bà Phan Thị Lệ, ông Nguyễn Hữu Hoạt làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Bên cạnh mâu thuẫn nội bộ thì PNC còn một vấn đề lớn là cán cân tài chính quá mất cân đối và khoản nợ đến hạn. Tại thời điểm cuối năm 2017, PNC có khoản nợ phải trả 482 tỷ đồng tài trợ cho 94% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn 477 tỷ đồng bao gồm hai khoản lớn nhất là phải trả người bán 234 tỷ và vay tài chính 159 tỷ đồng. Khoản vay tài chính ngắn hạn 159 tỷ đồng chính là khoản vay Công ty Cross Junction Investment Pte., Ltd (Singapore) số tiền 7 triệu USD đáo hạn ngày 30/6/2018, được đảm bảo bằng toàn bộ phần vốn góp (20%) của PNC tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam. Đồng thời, lỗ lũy kế lên đến 105,8 tỷ đồng gần vượt vốn góp chủ sở hữu 110 tỷ đồng.
Do đó, động thái của dàn lãnh đạo mới ngay sau khi nắm quyền tại PNC là kế hoạch tăng vốn mạnh từ 110 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp. Song, phương án không được thông qua và cổ đông kiến nghị có thể bán 20% vốn góp của PNC tại CGV Việt Nam thay phương án phát hành tăng vốn.
Bởi vậy, trong năm 2018, PNC đã nhận được sự đồng thuận cao của cổ đông qua 2 lần lấy ý kiến về phương án bán 12,5% và 7,5% vốn CGV với giá lần lượt 160 tỷ và 101 tỷ đồng. Tổng cộng qua 2 lần bán, PNC thu được 261 tỷ đồng; ưu tiên để trả công nợ đối tác, nhà cung cấp, bổ sung vốn lưu động cùng chi tạm ứng cổ tức năm 2018.
Bước đầu tích cực, tập trung hoạt động bán lẻ cốt lõi
Ông Nguyễn Hữu Hoạt – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết tình hình Phương Nam đang ổn định sau khi các nhóm cổ đông mâu thuẫn cách đây 3 năm đã rút lui và bán hết cổ phần. Các cổ đông hiện nay thống nhất rất cao thể hiện qua các kết quả biểu quyết gần đây đều đạt trên 99%. Do đó, hy vọng với sự ổn định này, Phương Nam sẽ phát triễn bền vững trong thời gian tới.
Ban lãnh đạo PNC cho biết thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ cốt lõi, chuẩn hóa lại cấu trúc thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu; tập trung quản lý hàng tồn kho để tăng lợi nhuận gộp; đầu tư triển khai hệ thống ERP hoàn chỉnh để quản trị doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ.
Tính đến cuối năm 2017, công ty đã phát triển hệ thống bán lẻ với 11 nhà sách mới (ở Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang) nâng tổng số nhà sách đang hoạt động lên 57. Cùng với đó là việc tổ chức các hội sách như Hội sách Hải Châu, Công viên 23/9, Hội chợ sách quốc tế Book Expo America – BEA (Mỹ), Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức)…
Năm 2018, công ty đề ra kế hoạch tổng doanh thu thuần 800 tỷ, tăng 32% so với năm 2017 và lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng. Mới đây, PNC ra thông báo việc lấy ý kiến cổ đông lần 3 về điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2018 và trả cổ tức tỷ lệ 20%. Nhiều khả năng công ty sẽ điều chỉnh tăng mạnh kế hoạch kinh doanh nhờ việc bán CGV.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 337 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu tăng trong kinh doanh sách và hàng tổng hợp). Giá vốn chỉ tăng 7,5% đã đẩy lợi nhuận gộp lên 134,4 tỷ đồng, tăng 65%. Nguyên nhân tăng trưởng khả quan được PNC cho biết nhờ Công ty TNHH Bán lẻ Phương Nam có doanh số tăng cao và phát sinh thêm nhà sách mới.
Tuy nhiên, đi kèm với doanh thu tăng cao thì chi phí bán hàng của công ty cũng tăng mạnh 48% lên 137 tỷ đồng. Chi phí quản lý tăng và phần lợi nhuận liên doanh, liên kết giảm đã khiến PNC lỗ thuần 10,7 tỷ đồng, gấp 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm trước.
Điểm tích cực với công ty chính là hoạt động khác. Cụ thể là khoản tiền mượn Envoy Media Partners Ltd 18,26 tỷ đồng mang về lợi nhuận khác 18 tỷ đồng giúp lãi ròng ghi nhận 7,8 tỷ, cải thiện so với con số lỗ 6 tỷ nửa đầu năm 2017. Đây vốn là khoản tiền mượn để góp vốn vào CGV Việt Nam theo thỏa thuận thanh lý hợp đồng giữa công ty và Envoy Media Partners Ltd.
Trong thời gian còn lại của năm, nhờ trả được nợ sau khi bán CGV, PNC sẽ không còn phải chịu khoản lãi vay 4%/năm trên số tiền 7 triệu USD. Sau khi bán CGV, công ty sẽ không phải ghi nhận khoản lỗ liên doanh, liên kết có thể có như quý IV của các năm trước (quý IV/2017 lỗ 9,8 tỷ, quý IV/2016 lãi 740 triệu, quý IV/2015 lỗ 11 tỷ). Ban lãnh đạo PNC cho biết quý IV không phải mùa cao điểm cùng với việc CGV ghi nhận và hạch toán chênh lệch tỷ giá khoản vay bằng USD từ nước ngoài nên thường ghi nhận lỗ. Đồng thời, thanh toán nợ cho các nhà cung cấp sẽ giúp PNC có nguồn hàng kinh doanh, từ đó tạo ra dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.