Tiêu thụ giảm sút
Tiêu thụ tại Trung Quốc – nơi chiếm 40% tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu – dự báo sẽ chỉ tăng 3,2% trong năm 2019, đạt 5,85 triệu tấn, sau khi tăng 5,3% ở năm 2018 và 7,5% năm 2017. Tại Ấn Độ, tiêu thụ chắc chắn cũng sẽ chỉ tăng 4% trong năm 2019.
Theo ước tính sơ bộ, năm 2018 quốc gia này sử dụng 1,218 triệu tấn cao su tự nhiên, tức là tăng tới 12,6% so với năm trước đó, chủ yếu bởi nhu cầu cao từ lĩnh vực sản xuất lốp xe tải. Ấn Độ năm 2018 chiếm khoảng 9% tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu.
Sản lượng có thể tăng
Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2019 được Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) nhận định sẽ tăng 6,6% lên 14,844 triệu tấn, so với mức tăng khoảng 4,3% của năm 2018. Năng suất cao su trung bình trên mỗi hécta (tính chung trên toàn cầu) dự báo vẫn giữ nguyên như năm trước bởi giá cao su thấp trong thời gian qua và thời tiết xấu ở một số nơi, song nhiều diện tích cao su đến độ cho thu hoạch nhiều mủ nhất, nên mức tăng sản lượng có sự khác biệt lớn giữa các nước sản xuất.
Giai đoạn 2010 – 2012 giá cao su thế giới đạt mức cao điểm đã khích lệ nhiều nông dân trồng thêm cao su ở thời điểm đó, và đến năm 2019 một phần trong số đó sẽ bắt đầu cho thu hoạch mủ. Diện tích cao su thu hoạch mủ ở riêng Thái Lan dự kiến sẽ tăng khoảng 200.000 ha trong năm 2019. Ở một số nước khác như Bờ Biển Ngà, Myanmar, Campuchia, Lào và Brazil thì có nhiều diện tích cao su đến thời điểm cho sản lượng mủ cao nhất. Chỉ có tại Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là sản lượng dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ. Diện tích cao su cho sản lượng mủ cao nhất tại Ấn Độ dự báo sẽ chỉ tăng 26.000 ha trong năm 2019.
Sản lượng của Thái Lan chắc chắn sẽ tăng 6,6% lên 5,135 triệu tấn trong năm 2019, sau khi tăng khoảng 8,8% năm 2018. Khoảng 35% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đến từ Thái Lan.
Sản lượng của Ấn Độ ước tính giảm 9,5% xuống 645.000 tấn trong năm 2018 do thất thu ở Kerala – khu vực trồng cao su chính của Ấn Độ - và dịch bệnh trên lá lan rộng tại nhiều nông trường, cũng như đất trồng cao su đã bị bạc màu. Hơn nữa, một phần diện tích cây cao su cho thu hoạch nhiều mủ năm qua đã không được người trồng cao su thu hoạch mủ vì giá giảm thấp (Ấn Độ năm 2018 có khoảng 190.000 ha cao su đến độ cho nhiều mủ). Thời tiết năm nay bình thường trở lại, dự báo sản lượng cao su Ấn Độ sẽ hồi phục dần, và sẽ tăng tổng cộng 10% trong cả năm.
Mặc dù dự báo sản lượng cao su thế giới năm 2019 sẽ là 14,844 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 14,590 triệu tấn, tức là gần cân bằng, nhưng các yếu tố cơ bản chắc chắn sẽ vẫn bất lợi cho thị trường này. Đó là tổng sản lượng có thể sẽ cao hơn mức đó nếu giá trở nên hấp dẫn (ở một số thời điểm).
Trong trường hợp đó (giá cao su hồi phục), sản lượng cao su Thái Lan năm 2019 có thể cao hơn 14% so với dự đoán trên. Tương tự, sản lượng của Malaysia có thể tăng 53%, trong khi của Ấn Độ có thể tăng 65%.
Giá cao su và giá dầu mỏ
Thị trường cao su thiên nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Giống như tất cả các hàng hóa trên thị trường châu Á, cao su thiên nhiên có xu hướng đi ngược với đồng USD. Khi USD mạnh lên thì giá cao su thiên nhiên trường giảm.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng tỷ lệ lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2019, như vậy USD chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Điều này bất lợi cho giá cao su.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu và những biến động dự kiến trên thị trường dầu thô cũng sẽ cản trở giá cao su thiên nhiên hồi phục. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 11/12/2018 trong báo cáo mang tên Triển vọng Năng lượng đã dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2019 sẽ ở mức 61 USD/thùng, tức là thấp hơn mức trung bình 71,40 USD của năm 2018. Thị trường cao su thiên nhiên thường bám sát xu hướng của thị trường dầu thô.
Trong ngắn hạn, xu hướng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, các yếu tố cơ bản (cung – cầu), yếu tố tỷ giá và triển vọng dầu thô cho thấy rất ít khả năng giá cao su thiên nhiên sẽ tăng trở lại trong năm 2019.