Các đại lý vàng ở Ấn Độ tuần này bán giá vàng cao hơn 0,5 USD/ounce so với giá chính thức trong nước (bao gồm 10,75% thuế nhập khẩu và 3% thuế bán hàng), tăng so với mức trừ lùi 1,5 USD của tuần trước.
Người dân Ấn Độ sẽ tổ chức lễ hội Diwali và Dhanteras vào tuần tới, là kỳ nghỉ lễ mà việc mua vàng được coi là điềm lành.
Harshad Ajmera, chủ sở hữu của JJ Gold House, một nhà bán buôn ở thành phố Kolkata, miền đông Ấn Độ, cho biết: "Hoạt động mua – bán lẻ đang tăng lên". Các đại lý vàng ở Mumbai cũng cho biết tâm lý thị trường nhìn chung là lạc quan. Các nhà kim hoàn đang mong đợi nhu cầu mạnh mẽ trong lễ hội Diwali vào tuần tới.
Trong khi đó, mức cộng giá vàng ở Trung Quốc so với giá tham chiếu quốc tế tuần này giảm mạnh xuống còn 2 - 3 USD/ounce, so với mức 7-11 USD/ounce của tuần trước.
Nhà tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: "Chúng tôi nghe thấy rất nhiều lời bàn tán về việc nền kinh tế (Trung Quốc) đang chậm lại", và cho rằng trong trường hợp đó, người dân có thể giảm việc mua vàng, vì việc mua vàng phụ thuộc vào thu nhập. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh vàng ở nước này cũng hy vọng nhu cầu sẽ tăng khi người tiêu dùng chuẩn bị đón Tết truyền thống.
Mức cộng giá vàng hàng thực tại Singapore tuần này ở mức 1,40- 1,70 USD/ounce, so với mức 1,25- 1,70 USD/ounce của tuần trước. Brian Lan, giám đốc điều hành đại lý GoldSilver ở Singapore cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thấy nhiều khách hàng lẻ đến mua hơn vì họ nghĩ rằng giá vàng ít nhiều đã ổn định nên họ quyết định mua vàng vào thời điểm này".
Tại Hongkong, giá vàng tuần này được bán ở mức cộng 0,5 – 1,5 USD/ounce so với giá quốc tế, trong khi mức cộng giá vàng ở Nhật Bản là 1 USD.
Nhu cầu vàng Ấn Độ quý 4/2021 dự báo tăng vọt
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong báo cáo vừa công bố cho rằng nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể tăng mạnh trong quý 4/2021 do giá vàng thế giới giảm, nhu cầu mua sắm hồi phục mạnh sau giai đoạn bị dồn nén vì những biện pháp chống dịch Covid-19, và mùa lễ hội cao điểm đang đến.
Nhu cầu mạnh mẽ có thể giúp giá vàng giao ngay ở thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới tiếp tục tăng, sau khi đã tăng 5% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, nhập khẩu vàng tăng sẽ góp phần làm tăng thâm hụt thương mại của Ấn Độ, và gây áp lực giảm giá rupee.
"Quý 4 có thể là một trong những quý tốt nhất trong những năm gần đây. Nhu cầu tăng, giá vàng giảm và nhiều đám cưới sẽ thúc đẩy nhu cầu", Somasundaram PR, Giám đốc điều hành của WGC khu vực thị trường Ấn Độ cho biết.
Nhu cầu đối với kim loại quý ở Ấn Độ thường tăng vọt vào cuối năm, vì người dân mua coi việc vàng cho các đám cưới và các lễ hội lớn như Diwali và Dussehra là điềm lành.
Người Ấn Độ đã tổ chức lễ kỷ niệm Dussehra vào đầu tháng này và các nhà sản xuất đồ kim hoàn cho biết doanh số bán hàng đã tăng mạnh trong dịp đó. Nhu cầu bán lẻ tăng lên đã tạo niềm tin cho các nhà sản xuất và nhập khẩu trong quý tháng 9 đã tăng 187% so với cùng quý năm trước lên 255,6 tấn.
Theo WGC, nhu cầu vàng của Ấn Độ quý 3 đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, lên 139,1 tấn, do nhu cầu đồ trang sức tăng 58% lên 96,2 tấn. Nhu cầu đồng xu vàng và vàng thỏi – được gọi là vàng đầu tư – cũng tăng 27% trong cùng kỳ, lên 42,9 triệu tấn, do các nhà đầu tư tăng cường bảo hiểm rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục.
Ông Somasundaram không đưa ra dự báo về nhu cầu vàng Ấn Độ trong cả năm 2021, nhưng cho biết sẽ cao hơn mức 690,4 tấn của năm 2019 và cũng cao hơn mức 446,6 tấn của năm 2020.
Ông nói: "Với việc các hạn chế đang dần được dỡ bỏ trên toàn quốc, nhu cầu bán lẻ đang tăng trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch Covid. Mùa lễ hội và đám cưới sắp tới, nhu cầu dự báo sẽ vàng càng tăng".
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc từ đầu năm đến nay tăng 48,4% nhưng có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc – thị trường vàng lớn nhất thế giới – đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021 do xu hướng hồi phục sau đại dịch Covid-19, trong khi sản lương giảm do sự siết chặt các quy định về an toàn trong khai thác, thông tin từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết.
Cụ thể, tiêu thụ vàng của nước này trong 9 tháng đầu năm nay tăng 48,4% lên 813,59 tấn. Kể cả so với trước đại dịch (tháng 1-9/2019), mức tiêu thụ trong năm nay cũng cao hơn 5,9%.
Trong đó, tiêu thụ riêng trong quý 3/2021 là 266,54 tấn, tăng 18,5% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Reuters.
Tiêu thụ tăng được thúc đẩy bởi doanh số bán đồ trang sức trong Lễ hội Qixi – ngày Lễ Tình nhân của Trung Quốc, vào giữa tháng 8, và Tết Trung thu vào tháng 9.
Hiệp hội cho biết: "Đồ trang sức truyền thống bằng vàng ta vẫn có sức hấp dẫn lớn", đề cập đến sự "bùng nổ" nhu cầu trở lại đối với các đồ trang sức theo kiểu truyền thống, như khắc rồng, phượng.
Trong khi đó, sản lượng vàng của Trung Quốc trong tháng 1-9/2021 giảm mạnh, 10%, so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 236,75 tấn. Sự sụt giảm diễn ra sau các vụ tai nạn mỏ vàng chết người vào đầu năm nay dẫn đến các cuộc thanh tra an toàn ở Sơn Đông, tỉnh sản xuất vàng hàng đầu của Trung Quốc – yếu tố chính khiến sản lượng giảm mạnh.
Tổng sản lượng vàng ở Trung Quốc trong quý 3 năm nay là 84 tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở nước ngoài, các công ty vàng của Trung Quốc đã nâng sản lượng vàng khai thác trong 9 tháng đầu năm nay thêm 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,9 tấn, Hiệp hội Vàng cho biết.
Đáng chú ý, nhập khẩu vàng vào Trung Quốc gần đây cũng tăng mạnh. Theo đó, nhập khẩu vàng vào Trung Quốc đại lục qua Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 9 tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao kỷ lục 5 năm, dữ liệu từ Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông cho thấy.
Thực tế này được lý giải bởi cuộc khủng hoảng của công ty phát triển bất động sản China Evergrande và giá vàng giảm.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ và nhập khẩu vàng tăng ở Trung Quốc khó có thể duy trì trong quý 4, do kinh tế nước này đang giảm tốc rõ rệt bởi tình trạng khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Nhập khẩu ròng vàng vào Trung Quốc qua Hongkong tháng 9 tăng mạnh.
Tham khảo: Reuters