Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, phần lớn trường học, cơ sở giáo dục đóng cửa khiến cho hình thức học trực tuyến bùng nổ. Covid-19 trở thành động lực thúc đẩy thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) phát triển nhanh hơn trên trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đến nay, EdTech đang trở thành lĩnh vực thu hút dòng vốn ngoại mạnh hơn bao giờ hết với những khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD.
Ghi nhận bởi hãng nghiên cứu P&S Intelligence, quy mô thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu dự kiến đạt 998,4 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép là 17,3%. Các giải pháp EdTech tăng trưởng mạnh mẽ là nhờ sự phát triển của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (Internet vạn vật). Song song, một động lực khác của thị trường còn đến từ việc sử dụng Internet và các thiết bị thông minh ngày càng tăng, thúc đẩy ngành công nghệ giáo dục. Tại một số nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, chính phủ cũng đã đầu tư ngân sách cho công nghệ giáo dục.
Riêng thị trường Việt Nam, theo báo cáo của Ken Research thì quy mô có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023. Sự trỗi dậy của EdTech tại Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động của đất nước sẽ được trang bị tốt hơn cho một thị trường số hóa và toàn cầu hóa. Nhiều tập đoàn lớn, đơn vị khởi nghiệp đã và đang nỗ lực để chia sẻ một phần của "miếng bánh" này.
Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất khu vực châu Á
Dòng vốn đầu tư vào thị trường EdTech Việt Nam những năm trở lại đây rất mạnh mẽ, ghi nhận sự đột biến trong năm 2021 với khoảng 158 triệu USD cho 11 thương vụ.
Đáng chú ý nhất là thương vụ đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Equest từ quỹ đầu tư KKR (Mỹ); 15 triệu USD vào Elsa Speak từ các quỹ đầu tư của Google, Clevai; và 3 triệu USD vào MindX từ quỹ đầu tư mạo hiểm Southeast Asian Wavemaker Partners.
Nếu so với năm 2020, chỉ vỏn vẹn 3 thương vụ với tổng giá trị đầu tư khoảng 20 triệu USD, số liệu đầu tư vào lĩnh vực EdTech của năm 2021 thực sự rất ấn tượng. Có thể xem 2021 là một năm bùng nổ của thị trường.
Đánh giá tiềm năng của Việt Nam, tại sự kiện mới đây, bà Alicia Cheong - Đồng sáng lập và COO của Geniebook (một trong những EdTech hàng đầu Singapore) - cho biết, trước khi Geniebook vào thị trường Việt Nam, đơn vị này đã có chiến lược truyền thông số thăm dò. Kết quả thu về khá bất ngờ khi các bậc phụ huynh tại Việt Nam rất cởi mở trong việc học trực tuyến, đến bây giờ Geniebook vẫn khẳng định Việt Nam là một thị trường đầu tư đúng đắn.
"Chúng tôi xem Việt Nam là một thị trường quan trọng trong chiến lược tới của mình. Bởi, đây là một trong những thị trường năng động nhất khu vực châu Á. Geniebook cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tại Việt Nam thông qua việc thiết lập trụ sở làm việc mới, hướng tới hiện thực hóa sứ mệnh đào tạo 1 triệu người tiên phong", bà nói thêm.
Từ đầu năm 2019, Geniebook đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng lên đến hơn 2.000% với số lượng người dùng tại khu vực Đông Nam Á liên tục tăng cao, đạt hơn 220.000 người. Riêng tại Việt Nam, doanh thu của Geniebook đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Dĩ nhiên thị trường tiềm năng sẽ đi cùng rất nhiều đối thủ, và lợi thế Geniebook sở hữu chính là các bài tập được cá nhân hóa phục vụ mục tiêu của mỗi học sinh; bởi phụ huynh Việt Nam theo đánh giá là rất quan trọng về kết quả cũng như tương lai của con em mình. Ngoài ra, Geniebook cũng cung cấp hệ thống điểm thưởng theo cơ chế trò chơi, kích thích tính tò mò và thích thú của học sinh Việt Nam.
Tại sao giáo dục trên nền tảng công nghệ lại ngày càng phổ biến ngay cả khi đại dịch đã qua?
Với công nghệ, những rào cản về mặt địa lý sẽ không còn, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay. Chưa kể, việc kết hợp công nghệ thực tế áo VR và AR trong giáo dục cũng hỗ trợ trải nghiệm học tập tương tác chất lượng hơn cho học sinh.
Dưới góc nhìn người trong cuộc, bà Alicia đặt vấn đề công nghệ hỗ trợ cho nền giáo dục như thế nào? Theo bà, vì mỗi học sinh là một cá thể khác biệt và công nghệ sẽ giúp phân loại được, từ đó cung cấp một giải pháp riêng biệt. Thống kê trong cùng một khoảng thời gian học, khi áp dụng công nghệ và cung cấp bài tập cá nhân hoá sẽ cho lại hiệu suất tốt hơn. Cụ thể, có đến 90% học sinh của Geniebook cải thiện sau 8 bài học.
Ngoài ra, công nghệ cũng giúp giáo viên không mất quá nhiều thời gian trong việc chấm bài hoặc những hành động lặp đi lặp lại, từ đó tăng thời gian tương tác và nâng cao hơn hiệu suất giảng dạy cho học sinh.
Chính những lợi ích trên đi cùng xu hướng số hoá bùng bổ, bà Alicia dẫn chứng trong một cuộc họp vào năm 2022, các chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã khẳng định: "Về cơ bản, tiến trình đổi mới của công nghệ đang góp phần làm thay đổi nền giáo dục và cập nhật các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp, công việc hiện đại. Giáo dục chuyên biệt nên chú trọng vào các kỹ năng cần thiết trong thực tế và là cầu nối giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng với nguồn nhân lực tài năng sẵn có".
Tháng 10/2021, Geniebook đã kêu gọi thành công 16,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ East Ventures, Lightspeed Venture Partners và một số nhà đầu tư thiên thần khác.