IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - trong năm 2019 sẽ gảm xuống mức 2,5% và còn thấp hơn nữa vào năm 2020 khi các chính sách tài khóa mở rộng bắt đầu hết hiệu lực. Tuy vậy, theo báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 của Đại học Kinh tế Quốc dân, mức tăng trưởng này được đánh giá vẫn cao hơn mức sản lượng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, tăng trưởng cầu nội địa sẽ tiếp tục làm tăng thâm hụt cán cân vãng lai.
Báo cáo cũng cho biết, kinh tế Trung Quốc cũng được sự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong thời gian tới, ở mức 6,3% năm 2019 và 6,4% năm 2020. Chính phủ Trung Quốc đã chủ động thi hành chính sách tiền tệ mở rộng. Tuy nhiên, những tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ cộng với việc thắt chặt hơn quy định tài chính ngân hàng chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của thị trường nhập khẩu lớn nhất Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, khi các sản phẩm từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Phạm vi hàng hóa Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau gồm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như may mặc, nông sản, đồ gỗ, nội thất...
Nhật Bản được IMF sự báo sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2019. Mức tăng này thể hiện sự tin tưởng vào tác dụng của chính sách tài khóa mở rộng được chính phủ Nhật thực hiện trong suốt năm 2018, ngay cả trước kế hoạch tăng thuế tiêu dùng sẽ diễn ra vào tháng 10/2019.
Với khu vực Đông Nam Á, nhóm nước ASEAN-5 được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,1% cho năm 2019 và 5,2% trong năm 2020. Mức tăng này chỉ giảm đi chút ít so với giai đoạn trước đó, chủ yếu phản ánh một số rủi ro lên quan đến tỷ giá hối đoái cũng như những thay đổi bất thường từ dòng đầu tư quốc tế.
Mức dự báo được IMF đưa ra cho khu vực châu Âu là 1,6% cho năm 2019 và 1,7% cho năm 2020, thấp hơn so với giai đoạn trước đó. Các nền kinh tế chính của Liên minh châu Âu như Đức, Ý và Pháp đều gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu đến từ mức tăng trưởng yếu của cầu nội địa hay những bất ổn chính trị.
Kinh tế khu vực EU đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi nợ công của một số nước trong khu vực có dấu hiệu tăng (Hy Lạp, 180% GDP; Ý, 132% GDP). Tại Anh, bức tranh chính trị rạn nứt trong nội bộ đang cản trở tiến trình rút khỏ EU với nguy cơ về một Brexit "cứng" (rời EU mà không đạt được thỏa thuận).
Tại Ý, nguy cơ khủng hoảng chính trị và các kế hoạch ngân sách hiện đang "không tuân thủ giới hạn" của EU.
Tại Đức, dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất và chế tạo máy móc chỉ đạt 2%, giảm mạnh so với mức 5% năm 2018 do lo ngại Mỹ sẽ áp thuế quan lên xe hơi nhập khẩu châu Âu.
Tăng trưởng thương mại thế giới 2019 được IMF dự báo ở mức 4%, giảm 0,2 điểm phàn trăm so với năm 2018, chủ yếu do tác động từ các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có khả năng sẽ còn kéo dài, các nước sẽ có xu hướng đa phương hóa các liên kết kinh tế và thương mại để tránh phụ thuộc vào một số các thị trường lớn. Tuy nhiên, các xu hướng bảo hộ có thể tiếp diễn sẽ làm suy giảm lưu lượng thương mại và GDP toàn cầu.
Tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, chủ trương bảo hộ và chính sách giảm đầu tư sẽ tác động đến khối lượng cũng như điểm đến các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn trong việc mua tài sản nước ngoài. Các bất ổn cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch đầu tư và mở rộng các chuỗi sản xuất.
Trong tình hình đó, các doanh nghiệp cũng có thể tạm ngưng hoặc chấm dứt hoàn toàn việc rót vốn. Do đó, hoạt động đầu tư cũng suy giảm mạnh và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dòng đầu tư quốc tế cũng có thể có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ. Nếu tiếp tục cải thiện hơn nữa về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh và năng suất lao động, Việt Nam có thể sẽ trở thành "điểm trũng" thu hút đầu tư quốc tế trong khu vực châu Á.