Tín dụng tăng thấp, NIM gặp áp lực
Theo thông tin của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm trước (7,8%). Các ngân hàng được phê duyệt tuân thủ theo Thông tư 41 được giao hạn mức tín dụng cao (phổ biến ở mức 15-17%), còn các ngân hàng chưa được phê duyệt nhìn chung có hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn.
Đáng chú ý, theo chứng khoán Rồng Việt, trong 10 ngân hàng nhóm phân tích theo dõi, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đạt 165,6 nghìn tỷ (tăng 10,9%), tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng (8,5%).
Trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay ở mức thấp, dư địa tăng NIM của các ngân hàng cũng trở nên hạn chế hơn gây áp lực tới tăng trưởng lợi nhuận.
NIM khó tăng do áp lực huy động vốn trung dài hạn, tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, chưa kể cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng, hệ số LDR đã được đẩy mạnh gần ngưỡng, ngành tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, diễn biến NIM sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng do tình hình cho vay/ huy động và áp lực thanh khoản mỗi ngân hàng có sự khác biệt.
Những ngân hàng như Vietcombank, MBBank, VIB, TPBank và ACB có khả năng tiếp tục tăng do mở rộng mạnh mẽ sang bán lẻ. Trong đó, Vietcombank, MBBank và Techcombank có hệ số CASA cao, có xu hướng ít bị ảnh hưởng hơn khi cạnh tranh về huy động vốn tăng lên.
Nguồn: BCTC các ngân hàng, VDSC
Trong khi đó, VDSC nhận định, NIM sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ ở 2 ngân hàng có công ty tài chính tiêu dùng là HDBank và VPBank. Tại BIDV có thể giảm do việc mở rộng sang mảng bán lẻ chậm hơn và áp lực về huy động gia tăng. Riêng VietinBank, nhóm phân tích của VDSC dự báo NIM tăng nhưng do ngân hàng dự kiến không hạch toán thêm chi phí tín dụng vào mục thu nhập lãi thuần.
Nhiều cơ hội tăng tỷ trọng thu nhập dịch vụ
Thu nhập lãi và thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng được dự báo sẽ dẫn dắt tăng trưởng thời gian tới. Theo tính toán của VDSC, trong 6 tháng đầu 2019, tổng thu nhập hoạt động của 10 ngân hàng theo dõi đạt 123 ngàn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của cả thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ tiếp tục tăng lên. Trong đó, thu nhập lãi tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ và đóng góp 78% thu nhập hoạt động còn thu nhập dịch vụ tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ và đóng góp 10,7% thu nhập hoạt động.
Cơ cấu thu nhập chuyển dịch sáng hướng bền vững hơn khi các nguồn thu của ngân hàng trở nên đa dạng hơn với doanh thu thẻ, bảo hiểm, thanh toán, dịch vụ trái phiếu. Trong 10 ngân hàng được theo dõi, thu nhập từ thanh toán chiếm 38,4% và thu nhập từ bảo hiểm chiếm 25,2% thu nhập dịch vụ (năm 2018).
Thu nhập dịch vụ cũng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ thu nhập từ thanh toán dự kiến tăng trưởng tích cực do các ngân hàng chú trọng đầu tư mở rộng ngân hàng số.
Ngoài ra, phí bảo hiểm sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của thu nhập dịch vụ. Năm 2018, phí bảo hiểm mới qua kênh bancassurance chiếm 20% tổng phí bảo hiểm mới, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
Một số ngân hàng như MBBank, VPBank, TPBank và VIB dự kiến có tăng trưởng thu nhập từ phí hoa hồng bảo hiểm tích cực nhất. Bên cạnh đó, các ngân hàng chưa có đối tác bảo hiểm độc quyền (Vietcombank, BIDV và ACB) có tiềm năng thu được phí trả trước một lần khi lựa chọn được đối tác. Phí dịch vụ thẻ, dịch vụ trái phiếu dự kiến mở rộng tỷ trọng đóng góp khi các ngân hàng tập trung phân khúc bán lẻ và thị trường trái phiếu được đẩy mạnh.
Chi phí dự phòng nhiều khả năng tiếp tục tăng ở một số ngân hàng, nhất là ở các ngân hàng còn dư nợ VAMC. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa, trong khi các ngân hàng chịu áp lực vốn và rủi ro chính sách ngành dự báo sẽ có tăng trưởng thấp thì tăng trưởng vẫn sẽ tích cực ở các ngân hàng tập trung vào các hoạt động cốt lõi và có chất lượng tài sản tốt.