Nhận định về hoạt động của thị trường căn hộ trong năm 2020, Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: "Ngoài các khó khăn do COVID-19, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây".
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng lưu ý đến việc yêu cầu của khách mua về sản phẩm, thiết kế, điều kiện bàn giao, tiện ích dự án, cũng đang ngày càng cao hơn. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ nguồn cung lớn của các đại dự án và năng lực thực hiện dự án cũng là những nguyên nhân tác động thêm.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, nhấn mạnh rằng, khi phát triển dự án, tốc độ bán hàng, giá bán là những yếu tố hết sức quan trọng đảm bảo tính khả thi và việc ra quyết định triển khai. Một khi lượng mua giảm và tỷ lệ hấp thụ thấp dẫn đến dòng tiền thu về giảm, chi phí vốn tăng, lợi nhuận giảm sút là một thực tế khiến chủ đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều đối với giá bán.
Việc giảm giá nếu có thường sẽ không được các chủ đầu tư công bố chính thức mà trong một số trường hợp được đưa vào các chương trình khuyến mại, tặng quà… Đây cũng là một trong các giải pháp mà các chủ đầu tư có thể tính đến tùy vào điều kiện bán hàng tại mỗi dự án.
Theo bà Hằng, trong bối cảnh diễn biến dịch trên thế giới còn phức tạp thì triển vọng thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021 vẫn sẽ có những diễn biến cần phải theo sát. Các doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
"Đầu tư bất động sản luôn là việc doanh nghiệp cần phải tính trong dài hạn. Trong chuỗi các hoạt động từ phát triển quỹ đất, quỹ dự án, chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, bán hàng… thì trong giai đoạn sắp tới các doanh nghiệp có thể chọn lựa một số hoạt động để đảm bảo duy trì trong ngắn hạn, vẫn có thể bắt kịp và phát triển nhanh trong dài hạn", Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, nói.
Bà Hằng cũng nêu rõ: "Các doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn/địa phương mà doanh nghiệp có thể khai thác. Ví dụ, hiện nay, các doanh nghiệp có thể tính đến hướng đầu tư vào bất động sản nhà ở đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành; những dòng sản phẩm này sẽ hướng đến khách hàng tại địa phương có dự án và sau đó là khách từ các địa phương lân cận với những ý tưởng phát triển, kinh doanh đã thành công tại các đô thị lớn".
Ở bình diện thị trường nhà ở bình dân, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng căn hộ bình dân đang có cơ hội phát triển nhất định trong xu hướng giá tăng của thị trường.
"Đang có hiện tượng giá tăng, tuy nhiên thị trường xuất hiện thêm các khu vực đầu tư mới do ảnh hưởng của nhân tố cơ sở hạ tầng: hạ tầng đường bộ, đường sắt, cũng như các khu vực phát triển quy mô lớn như Long Biên, Gia Lâm hoặc một số khu vực xa trung tâm. Vị trí và khoảng cách là các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá nhà, bản thân giá đất cũng tăng. Các yếu tố này thúc đẩy chủ đầu tư trong lĩnh vực nhà ở đẩy mạnh hoạt động bán căn hộ, họ đã và đang cung cấp một lượng nhà ở bình dân phù hợp ra thị trường", ông Matthew Powell nói.
Giám đốc Savills Hà Nội cũng lưu ý rằng, các chính sách dành cho thị trường bình dân cần được xem xét ở khía cạnh định giá thương mại khi các chủ đầu tư đang cạnh tranh về đất và điều này tác động thực sự tới hiện tượng tăng giá nhà ở.
"Chính sách của Chính phủ cần đóng vai trò tạo ra các điều chỉnh phù hợp để thị trường dành cho nhà ở bình dân hoạt động chuyên nghiệp và phù hợp hơn", ông Matthew Powell chia sẻ.
Theo dữ liệu của Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, các bất động sản nhà ở có mức giá khoảng 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ căn 2 phòng ngủ vẫn có thể có tại thị trường Hà Nội, và nằm tại các khu vực ngoài vành đai 3 hoặc có vị trí xa so với trung tâm.
Trong Q3/2020, nguồn cung sơ cấp với giá trung bình dưới 1.000 USD/m2 có khoảng 3.200 căn hộ tương đương 12% thị phần. Dòng sản phẩm này không có nhiều nếu mua trực tiếp từ chủ đầu tư nhưng nếu mua lại và là căn hộ đã sử dụng thì vẫn còn tiềm năng.
Đánh giá về cơ hội tăng trưởng của thị trường nhà ở bình dân, ông Matthew Powell đưa ra 3 quan điểm chính.
Thứ nhất, các chủ đầu tư lớn hiện nay đang tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, cung cấp nhà ở chất lượng tốt với giá tốt và ở vị trí thích hợp. Điều này vừa đảm bảo cho cho họ khả năng phát triển bất động sản với mức giá xác định, vừa có thể mang lại cho khách hàng và cư dân các điều kiện sống, lối sống, sự thuận tiện nhất định khi di chuyển vào trung tâm. Các chủ đầu tư và Chính phủ đang nhận thức rất rõ vấn đề này, do đó đang có nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc nhà bình dân, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc hạng sang.
Thứ hai, có một sự tin tưởng nhất định về sự phục hồi của thị trường nhà ở trong năm 2021. Trước COVID-19, trong các lĩnh vực của ngành bất động sản, sự phục hồi được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhân khẩu học và nền kinh tế vĩ mô. Khi COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc hoạt động kiểm soát dịch bệnh, vì vậy nền kinh tế và thị trường bất động sản trong nước ít chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế tính cho tới thời điểm hiện tại.
Kỳ vọng của thị trường do đó sẽ nằm ở nguồn cung nhà ở được cải thiện vào tháng 3 hoặc 4 năm 2021 và các hoạt động phát triển bất động sản chất lượng cao tiếp tục tích cực hơn tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Thứ ba, cơ hội tăng trưởng của phân khúc nhà ở bình dân liên quan nhiều tới các hoạt động thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông tại các thị trường, nhất là khi cả Hà Nội và Hồ Chí Minh đang có các vấn đề liên quan đến giao thông và có sự xuất hiện của các tuyến tàu điện ngầm mới, một số quận dân cư mới và điểm đến đầu tư tại cả hai thành phố.