Theo kết quả khảo sát ở 39 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích, dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2021 sẽ ở mức 50,67 USD/thùng, cao hơn mức 49,35 USD/thùng trong lần khảo sát trước (tháng 11/2020), nhưng thấp hơn mức 51,49 USD/thùng lúc đóng cửa phiên 4/1/2021 (phiên giao dịch đầu tiên của năm mới).
Dự báo về dầu Tây Texas Mỹ (WTI) trong lần khảo sát này trung bình là 47,45 USD/thùng, tăng nhẹ so với 46,40 USD/thùng trong dự báo tháng 11, song cũng chỉ tương tự mức 47,62 USD/thùng lúc đóng cửa phiên 4/1.
Giá dầu Brent và WTI trung bình năm 2020 đã giảm hơn 20% so với năm 2019, mặc dù hiện đã hồi phục gấp 3 lần kể từ mức thấp lịch sử hồi tháng 4/2020 .
Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh hồi tháng 12/2020, sau đó đã được phát hiện ở nhiều nước khác trên thế giới, làm tăng nguy cơ về một làn sóng giãn cách mới. Người tiêu dùng sẽ lại hạn chế đi lại, chỉ mua hàng online…
Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ chỉ được triển khai theo từng giai đoạn cũng hạn chế giá dầu hồi phục nhanh.
Các nhà phân tích cho rằng, tốc độ hồi phục nhu cầu dầu mỏ sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai các loại vắc xin ngừa Covid-19, theo đó một số người cho rằng nhu cầu cho đến cuối năm 2022 hoặc năm 2023 sẽ vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết: "Các chủng vi rút mới có thể làm phức tạp triển vọng của thị trường, có thể dẫn đến việc phong tỏa chặt chẽ hơn, sẽ làm "tê liệt" nhu cầu dầu thô trong quý I/2021".
Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 3/1 cho biết ngoài những yếu tố thuận lợi, thị trường dầu thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong nửa đầu năm 2021, khiến triển vọng của giai đoạn này rất trái chiều. Đến nửa cuối năm, kinh tế thế giới có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ, nhưng riêng các lĩnh vực như lữ hành, du lịch, giải trí và khách sạn có thể mất nhiều năm để phục hồi về mức trước đại dịch. Ông Barkindo nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ do các nước đang phát triển "dẫn dắt" sẽ hồi phục nhẹ lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% (tương đương tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với năm 2020, nhưng thấp hơn dự báo đưa ra cách đây một tháng là 6,25 triệu thùng/ngày).
Các chuyên gia năng lượng nhận định, những biện pháp phong tỏa bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 cùng với nỗ lực một cách thận trọng của OPEC trong kế hoạch nâng dần sản lượng sẽ là tâm điểm của thị trường dầu mỏ năm 2021.
OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) đã đồng ý nâng sản lượng dầu mỏ của liên minh này thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 1/2021.
Ngày 4/1/2021, OPEC+ đã nhóm họp để thảo luận về mức sản lượng trong tháng 2/2021 nhưng chưa đạt được kết quả. Hôm nay 5/1 nhóm sẽ tiếp tục đàm phán về mức sản lượng dầu tháng 2/2021. Theo một số ngunn tin, Nga và Kazakhstan đã ủng hộ việc tăng sản lượng, trong khi Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đề nghị giữ sản lượng ổn định.
Theo đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho rằng OPEC+ nên thận trọng dù thị trường nhìn chung đang tỏ lạc quan; biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 sẽ còn dẫn tới nhiều diễn biến khó lường, là lý do để Saudi Arabia kêu gọi PEC+ cần thận trọng với chính sách sản lượng.
Và đo đó, tại cuộc họp ngày 4/1, Saudi Arabia đã phản đối việc tăng sản lượng và viện dẫn tình trạng phong tỏa diện rộng tại nhiều nước trên thế giới để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Trong khi đó, phía Nga kêu gọi cần tăng cường sản xuất vì nhu cầu năng lượng toàn cầu đang phục hồi.
Các nhà sản xuất OPEC+ đã kiểm soát sản lượng để hỗ trợ giá "vàng đen" và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung kể từ tháng 1/2017. Hoạt động cắt giảm của khối này đạt mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2020, do đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu xăng và nhiên liệu hàng không. Từ tháng 1/2021, OPEC+ bắt đầu nâng dần sản lượng. Theo nhà phân tích Bjornar Tonhaugen thuộc công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy, với kế hoạch kiểm soát sản lượng dầu hiện tại, nguồn cung dầu sẽ dự kiến thặng dư từ tháng 2 – 4/2021, trước khi nhu cầu phục hồi - dự kiến từ tháng 5/2021.
OPEC+ đang đứng trước tình huống khó khăn. Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank: "Nếu OPEC + nới lỏng việc cắt giảm sản lượng quá nhanh, sẽ có nguy cơ làm giá dầu giảm. Nhưng nếu quá thận trọng (khi giá dầu hồi phục đáng kể) thì có thẻ xuất hiện những "rạn nứt" trong mối quan hệ của khối, và sản lượng dầu đá phiến Mỹ có thể tăng trở lại".
Tham khảo: Reuters, Cnbc