Xuất khẩu chè năm 2020 giảm mạnh 6,8% giá trị
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 12/2020, xuất khẩu chè ước đạt 13 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2019, giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 1.538,5 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 12/2019. Năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2020 ước đạt 1.608,5 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2019.
Về chủng loại, chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong 11 tháng năm 2020 với lượng xuất khẩu chiếm 82,2% tổng lượng chè. Trong đó, chè đen xuất khẩu trong 11 tháng năm 2020 đạt 51 nghìn tấn, trị giá 69 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Chè đen xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính như: Nga, Indonesia, thị trường Đài Loan, Pakistan…Tiếp theo là chủng loại chè xanh xuất khẩu đạt 50,8 nghìn tấn, trị giá 91,79 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Pakistan trong 11 tháng năm 2020 đạt 30,12 nghìn tấn, trị giá 58,17 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu chè xanh tới thị trường này chiếm 28% tổng lượng chè xanh.
Về thị trường, trong 11 tháng đầu năm 2020, Pakistan đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam với 37,9% thị phần – giảm 7,3% về khối lượng và giảm 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường có giá trị xuất khẩu chè tăng mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm 2020 là Ấn Độ với mức tăng gấp 4 lần.
Tại thị trường thế giới, giá chè tiếp tục đi xuống ở các thị trường lớn trong tháng cuối năm. Tại Ấn Độ, giá chè đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng cuối năm 2020 tại phiên bán đấu giá tuần 50 của Hiệp hội Thương mại Trà Coonoor (CTTA), Ấn Độ. Giá trung bình giảm xuống còn 1.470 USD/tấn - thấp nhất kể từ ngày 12/6.
Tại cuộc đấu giá hàng tuần của Mombasa, giá trung bình mỗi kg tiếp tục giao dịch dưới mốc 2 USD trong 16 tuần qua. Giá thấp do sự gián đoạn thị trường xuất khẩu toàn cầu, khiến một số quốc gia tiêu thụ như Pakistan rơi vào tình trạng bế tắc vì đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, khiến giá giảm.
Triển vọng xuất khẩu chưa có nhiều tín hiệu khả quan
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) cho hay, nhập khẩu chè của Maroc trong nửa đầu năm 2020 đạt 38,19 nghìn tấn, trị giá 109,55 triệu USD. Trung Quốc là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Maroc. Theo cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Maroc, người Maroc rất chú trọng đến hình thức của chè. Theo đánh giá của khách hàng Maroc, chè Việt Nam có chất lượng tốt nhưng chưa cạnh tranh về giá cả và hình thức trình bày sản phẩm. Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Maroc là thị trường rất tiềm năng cho các thị trường xuất khẩu chè, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 8 cho Nhật Bản, lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,9% tổng lượng chè nhập khẩu của Nhật Bản trong 11 tháng năm 2020, giảm từ mức 1,2% trong 11 tháng năm 2019.
Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu là chủng loại chè đen, trong 11 tháng năm 2020 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 13,15 tỷ Yên (tương đương 127 triệu USD), giảm 11% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều nhất chủng loại chè đen cho Nhật Bản trong 11 tháng năm 2020, lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm 35,3% tổng lượng chè đen nhập khẩu. Nhập khẩu chè xanh của Nhật Bản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, trong 11 tháng năm 2020 đạt 3,6 nghìn tấn, trị giá 2,4 tỷ Yên (tương đương 23 triệu USD), giảm 12,4% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc cung cấp chủng loại chè xanh cho Nhật Bản với tỷ trọng chiếm 86,6% tổng lượng chè xanh nhập khẩu. Việt Nam là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 3 cho Nhật Bản nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,9% tổng lượng chè xanh nhập khẩu.
Nhìn chung năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng giảm theo. Về nguồn cung, do kiểm soát dịch tốt, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất chè tại Việt Nam đã trở lại bình thường, giá chè tại thị trường trong nước không bị ảnh hưởng nặng nề.
Thị trường chè trong nước được dự báo sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung tương đối ổn định nhằm phục vụ nhu cầu trong dịp lễ, Tết sắp tới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, sản lượng chè tại các nước sản xuất chính tăng nhờ thời tiết thuận lợi như Ấn Độ và Kenya, trong khi nhu cầu vẫn chưa được cải thiện. Xu hướng xuất khẩu tiếp tục ảm đạm nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.