Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn tin từ Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2018, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2017. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%.
Ước tính, tháng 12/2018 xuất khẩu thủy sản đạt 175 nghìn tấn, trị giá 800 triệu USD, tăng 1,29% về lượng và tăng 8,09% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 2 triệu tấn, trị giá 8,83 tỷ USD, giảm 1,76% về lượng, nhưng tăng 6,3% về trị giá so với năm 2017.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt 1,85 triệu tấn, trị giá 8,04 tỷ USD, giảm 0,8% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu cá tra và chả cá tăng trưởng khả quan; xuất khẩu tôm giảm do phải cạnh tranh với các thị trường cung cấp khác.
Trong 11 tháng năm 2018, xuất khẩu tôm các loại đạt 346 nghìn tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm giảm do nguồn cung tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh và tồn kho tôm tại các nước tiêu thụ chính ở mức cao.
Trong năm 2019, xuất khẩu tôm sẽ sẽ được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp tôm có xu hướng tăng khuyến mại để thúc đẩy tiêu dùng nhằm giải phóng tồn kho. Tôm Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định tại các thị trường xuất khẩu chính, ví dụ như tại EU, việc nguồn cung tôm Thái Lan không đủ cho xuất khẩu và tôm Ấn Độ gặp khó khăn tại thị trường EU là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam khi khai thác thị trường này.
Tại Mỹ, việc kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó sẽ là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm sang Mỹ; các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng tạo ra những lợi thế cạnh tranh đối với tôm Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế cạnh tranh, ngành tôm Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tồn dư kháng sinh trên tôm.
Xuất khẩu cá tra, cá basa 11 tháng năm 2018 đạt 796 nghìn tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc, EU tăng trưởng khả quan và xuất khẩu sang Mỹ cũng có dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây.
Với thị trường Trung Quốc, nhu cầu thị trường ở mức cao là yếu tố hỗ trợ ngành cá tra đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tại thị trường EU, việc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng, chú ý đến các sản phẩm giá trị gia tăng cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì cạnh tranh bằng giá cả đang giúp cá tra Việt Nam lấy lại thiện cảm tại thị trường này. Do đó, năm 2019, xuất khẩu cá tra, cá basa nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan so với năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, năm 2019 ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thủy sản thế giới cả về giá, chất lượng...