Điển hình nhất là thành tích xuất khẩu trong năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD, bỏ xa ngành xuất khẩu gạo, dầu thô và càphê. Vì vậy, để giữ vững thế mạnh này, các doanh nghiệp ngành rau củ quả phải lập nhiều chiến lược tác chiến trên "sân khách” hơn nữa.
Tranh thủ thị trường
Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành rau củ quả Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 960 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 8,3% so với quý 4 năm 2017.
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, đây là mức tăng kỷ lục của ngành rau củ quả Việt Nam. Tính đến thời điểm đầu tháng Tư, các loại rau củ quả của Việt Nam đã có mặt khắp 60 thị trường trên thế giới.
Triển vọng thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, khi sản lượng trái cây đủ đáp ứng các đơn hàng như hiện nay.
Việc mở rộng thị trường luôn là chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu, thế nhưng, việc này không phải dễ dàng bởi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường khó tính ngày càng cao. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp phải tìm hiểu tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, hoặc thiên tai có khả năng xảy ra để tranh thủ thị trường.
Chia sẻ về việc tranh thủ thị trường, ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đối với một số thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Nga,… doanh nghiệp phải biết nhu cầu thị trường trong thời điểm đó như thế nào mới tiến hành sản xuất.
Chẳng hạn với thị trường Mỹ, ngoài yếu tố kỹ thuật, biến động về thời tiết, khí hậu tại nơi này cũng là yếu tố giúp mặt hàng trái cây Việt Nam tăng khả năng thâm nhập.
Cuối năm 2017 và đầu 2018, nước Mỹ bị bão lớn tàn phá, nhiều diện tích cây ăn trái bị thiệt hại. Vì vậy, nước Mỹ phải mất 2 năm mới có thể khôi phục lại sản lượng trái cây như trước đây. Trong thời điểm 2 năm, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Mỗi thị trường có một đặc điểm kỹ thuật riêng đối với hàng hóa nhập khẩu. Thị trường Australia không gây khó khăn về thuế nhập khẩu, nhưng các quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Trái cây Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường này phải được xử lý rất khắt khe về kỹ thuật.
Triển vọng đạt 10 tỷ USD
Trước kết quả xuất khẩu trái cây Việt Nam trong năm 2017 rất khả quan và kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2018, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, triển vọng kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 10 tỷ USD sẽ không còn xa. Bởi, theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn trái ngày càng lớn.
Hiện nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích và sản lượng lớn.
Hơn nữa, thông qua khảo sát các vườn cây ăn trái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết nông dân sản xuất cây ăn trái đều đã nhận thức phải sản xuất sạch, vì nhu cầu của thị trường, thay cho phương thức sản xuất theo kinh nghiệm của nông dân.