Trồng lúa sạch, bán giá cao
Do diện tích đồng bằng hẹp, lại bị chia cắt nên Quảng Trị xác định cây lúa không thể cạnh tranh về mặt số lượng mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, tỉnh này đã kêu gọi doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác.
Cánh đồng trồng lúa chất lượng cao, hữu cơ ở Quảng Trị ngày càng được nhân rộng.
Năm 2017, Quảng Trị có 13 hợp tác xã và tổ hợp tác trồng 89,76ha lúa hữu cơ ở những vùng đất không bị ô nhiễm, có hệ thống kênh mương tưới tiêu tốt, trồng giống lúa chất lượng cao RVT. Lúa này có chất lượng gạo cao, cơm ăn ngon, trắng, mềm, mùi thơm nhẹ, chống chọi tốt với các bệnh thường gặp như đạo ôn, khô vằn.
Bà Nguyễn Hồng Phương – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị cho biết, khi thu hoạch, năng suất lúa hữu cơ đạt 50,21 tạ/ha, bán với giá 7.000 đồng/kg lúa tươi; trong khi lúa trồng truyền thống năng suất tương đương nhưng giá chỉ 6.700 đồng/kg lúa khô.
Trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, đặc sản ở Quảng Trị cho hiệu quả cao, là bước đi đúng hướng. Ảnh: H.P
rong quá trình canh tác, thay vì dùng thuốc BVTV, nông dân Quảng Trị dùng chế phẩm sinh học chế từ tỏi, ớt, gừng lên men. Còn phân bón, nông dân Nguyễn Văn Đống (xã Triệu Trung, Triệu Phong) cho biết, thân cây chuối, khoai lang, vỏ các loại hoa quả, trái cây, xương động vật, vỏ trứng, cá tạp… được xử lý để ủ thành phân bón cho lúa.
Bà Nguyễn Hồng Phương cho biết, năm 2016 tỉnh gieo trồng được 30.500ha lúa chất lượng cao, chiếm 64% tổng diện tích lúa 2 vụ, giá trị tăng 20% so với sản xuất lúa thường, doanh thu trên 600 tỷ đồng. Quảng Trị định hướng đến năm 2020 sẽ có 34.500ha lúa chất lượng cao, đặc sản; đồng thời lựa chọn được 2-3 giống lúa chủ lực để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Quảng Trị”.
Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị vừa ra mắt hồi cuối tháng 10.2017 nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: N.P
Biến cây dược liệu thành cây chủ lực
Với mảnh đất đầy nắng và gió như Quảng Trị thì trồng cây dược liệu là lựa chọn đúng đắn. Nhiều chuyên gia đánh giá cây cà gai leo, chè vằng, nghệ vàng, sả… trồng ở Quảng Trị có hàm lượng tinh dầu cao hơn nơi khác, được khách hàng ưa chuộng. Vì vậy Quảng Trị đã đưa các loại cây này vào danh mục cây trồng chủ lực mang tính đặc sản và còn mạnh dạn hỗ trợ 100 triệu đồng/ha để nông dân tích cực trồng.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết mình, làm sao khi nhắc đến Quảng Trị, ngoài tàn dư bom đạn chiến tranh, bạn bè trong và ngoài nước còn biết đến đặc sản lúa và các sản phẩm từ cây dược liệu made in Quảng Trị”. Ông Hà Sỹ Đồng |
Chị Lê Hồng Nhạn - chủ trang trại 4ha đang trồng cà gai leo ở thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) cho biết, chị đã đầu tư 3 giếng khoan và cải tạo 2 hồ chứa nước tự nhiên nhằm cung cấp nước tưới cho cây cà gai leo. Toàn bộ diện tích cà gai leo trong trang trại đều được phủ nylon giữ ẩm, chống cỏ dại và tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Cà gai leo sau khi thu hoạch đem rửa sạch, nấu cao pha nước sôi để uống có tác dụng giải độc gan rất tốt.
Được biết toàn huyện Cam Lộ đang có khoảng 40ha cây dược liệu, mỗi ha cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Các loại cây dược liệu như hương bài, sa nhân, chè vằng… được nông dân Cam Lộ trồng xen dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích.
Chàng trai trẻ Lê Huệ (26 tuổi, quê xã Trung Sơn, Gio Linh) từng làm ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn nhưng quyết định xin nghỉ để theo đuổi nghề trồng, chế biến dược liệu như tinh dầu sả, tinh dầu tràm, khuynh diệp. Riêng trồng 5ha sả, mỗi năm chàng trai trẻ có doanh thu 900 triệu đồng, trừ chi phí lãi 400 triệu đồng.
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị (trái) thăm, động viên nông dân trồng cây dược liệu ở huyện Cam Lộ. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang mở rộng diện tích trồng cây dược liệu và lúa hữu cơ, chất lượng cao để tạo nên thương hiệu đặc trưng. Đầu tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã khai trương cửa hàng 8S quảng bá các sản phẩm đặc sản của Quảng Trị như gạo hữu cơ, tinh bột nghệ, chè vằng… “Chúng tôi đang nỗ lực hết mình, làm sao khi nhắc đến Quảng Trị, ngoài tàn dư bom đạn chiến tranh, bạn bè trong và ngoài nước còn biết đến đặc sản lúa và các sản phẩm từ cây dược liệu made in Quảng Trị” - ông Đồng nói.
Phát triển tôm, suy nghĩ về bò
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, giúp người dân ven biển thoát nghèo, làm giàu. Ví dụ điển hình gần đây tại xã Triệu Lăng (Triệu Phong) có ông Võ Văn Lương vừa thu lãi khủng 2,5 tỷ đồng từ hồ tôm 4.000m2. Hiện nay Quảng Trị có gần 1.000ha nuôi tôm, sản lượng đạt 3.800 tấn (năm 2016), doanh thu 380 tỷ đồng.
Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng 6.000 tấn, năng suất 6-7 tấn/ha; giữ ổn định diện tích, nâng cao sản lượng tôm sú với khoảng 500ha.
Cũng theo ông Đồng, tỉnh hiện có gần 70.000 con bò, trong đó bò lai Zebu chiếm 42%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2016 đạt 3.435 tấn, giá trị trên 300 tỷ đồng. Định hướng đến năm 2025, tỉnh này sẽ nâng đàn bò lên 75.000 con, trong đó 70% là bò lai Zebu.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay có tâm lý lo lắng bò nhập từ nước ngoài giá rẻ sẽ khiến nông dân nuôi bò trong nước yếu thế, không cạnh tranh nổi về giá cả. Tuy nhiên, theo ông Hùng, bò nội chất lượng cao, thịt ngon nên vẫn được ưa chuộng. Với kiểu chăn nuôi bò quy mô nhỏ lẻ, chăn thả thì thu nhập thấp, nhưng nếu nông dân trồng cỏ nuôi bò nhốt theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn hiệu quả sẽ cao hơn. “Ở tầm nhìn xa, nuôi bò vẫn có lợi” – ông Hùng nói. |