Thật khó để đoán ra được nghề nghiệp của Zhang Jianchang khi nhìn vào thói quen chi tiêu của anh này. Anh ấy là một "fan cỡ bự" của Gucci. Zhang đang lái chiếc xe SUV trị giá 43.000 USD và đã thưởng thức chuyến du lịch ra nước ngoài dầu tiên của cuộc đời mình sang Hàn Quốc vào năm 2015. Năm nay, kế hoạch của anh là tới Osaka, Nhật Bản để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, Zhang không phải là một nhân viên văn phòng ở bất kỳ thành phố lớn ở Trung Quốc nào cả. Tin được không, anh ấy là một nông dân nuôi tôm ở Pinghai – một thị trấn nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, niềm nam Trung Quốc.
"Cuộc sống tại những vùng quê nghèo ở Trung Quốc đang được cải thiện dần dần", Zhang nói. Cứ nhìn những tài sản của anh ấy là thấy rõ. Zhang có một chiếc điện thoại thông minh Huawei mới và lái một chiếc SUB của Kia Motor mua từ 4 năm trước.
"Chúng tôi từng nghĩ rằng việc có một chiếc ô tô là biểu tượng của giới siêu giàu. Nhưng hiện tại hầu hết gia đình nào cũng có ô tô", Zhang trả lời phỏng vấn tờ Nikkei. Thực tế, việc có nhiều ô tô gây ra một vấn đề lớn. "Mỗi khi đi về nhà từ chỗ làm, tôi chỉ sợ mình không thể tìm được chỗ đỗ xe".
"Giờ có tiền rồi, chúng tôi muốn tận hưởng cuộc sống"
Từng là biểu tượng của nghèo đói, những người nông dân Trung Quốc hiện đang trở thành lực lượng tiêu dùng chính của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã tăng 10,4% so với năm trước đó, đạt 3,96 nghìn tỷ NDT (tương đương 570 tỷ USD). Xu hướng này thúc đẩy mở rộng mạng lưới logistic đến những ngõ ngách xa xôi của cả nước.
Sức mạnh mua sắm tăng của tầng lớp nông dân Trng Quốc cũng đã khiến những gã khổng lồ bán lẻ trong nước phải thay đổi chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ chi tiêu của người dân thành thị đang chững lại. JD.com – hãng bán lẻ lớn thứ 2 cả nước là một ví dụ. Họ đã tuyên bố mở 1 triệu cửa hàng tiện lợi tới năm 2021 và một nửa trong số đó là ở những vùng nông thôn.
Tiềm năng thị trường khá rõ ràng tại Pignhai – nơi tiêu dùng hộ gia đình đã tăng vọt trong những năm gần đây cùng sự bùng nổ du lịch. Những trang trại của họ từng dùng để trồng lúa gạo thì nay đã có những ngôi nhà mới mọc lên. Các poster quảng cáo thương hiệu điện thoại thông minh mọc lên như nấm, xe ô tô xếp hàng dài gồm cả những thương hiệu nổi tiếng như Land Rovers.
Zhang Shunhia là một trong những người chứng kiến thay đổi này. Người nông dân 34 tuổi tại Shiquiaokou – một ngôi làng ở tỉnh lị Pinghai từng bán các sản phẩm nông nghiệp cho nhà bán lẻ nhưng hiện tại cô đang điều hành một mảng kinh doanh lời lãi hơn. Zhang đón những người dân thành thị tới trải nghiệm cuộc sống đồng quê ở trang trại mình, hái nho và nấu ăn rồi thu một khoản phí. Nhờ thu nhập cao hơn, Zhang và gia đình cô đã sớm chuyển tới ngôi nhà mới – một căn villa có 11 phòng ngủ.
Ngay cả những người có thu nhập thấp hơn cũng chi tiêu nhiều hơn. Một trường hợp điển hình là Zhong Peicheng – một công nhân xây dựng đã mua cho mình chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trong đời. Người đàn ông 57 tuổi này đã trả 2.000 NDT – tức là gấp 5 lần lương mỗi ngày của anh để mua một chiếc Huawei đời mới nhất vào năm 2016.
Với Zhang – nông dân nuôi tôm được nhắc đến đầu bài viết, những lựa chọn mua sắm không chỉ là tiện lợi mà còn nằm ở vị thế xã hội. Với giá tôm tăng cao và sự trợ giá của chính phủ dành cho các sản phẩm nông nghiệp, Zhang đang dần được thưởng thức cái mà anh gọi là "cuộc sống thượng lưu". Anh thường qua Hong Kong để mua sắm và quay về với những chiếc túi và thắt lưng hiệu Gucci.
"Giờ có tiền rồi, chúng tôi muốn tận hưởng cuộc sống", Zhang nói.