Thông cáo của Samsung về việc bổ nhiệm nhân sự này cho hay, Hội đồng quản trị Samsung đã viện dẫn về tình thế bất ổn của môi trường kinh doanh toàn cầu, yêu cầu cấp bách giải quyết các vấn đề pháp lý và trách nhiệm duy trì hoạt động kinh doanh ổn định để đưa ra quyết định bổ nhiệm.
Lee Jae-yong đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của Samsung Electronics (Ảnh: Reuters)
Lee, còn được gọi là "thái tử" Samsung, đã ngồi tù vì tội hối lộ nhưng đã nhận được lệnh ân xá của Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 8, sẽ kế nhiệm vị trí bị bỏ trống sau cái chết của cha ông, Lee Kun-hee, vào năm 2020.
Việc bổ nhiệm đã được nhiều người mong đợi sau khi ông được ân xá.
Lệnh ân xá là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc nhờ những đóng góp của Samsung với vị thế là công ty giá trị nhất Hàn Quốc, là chìa khóa cho nền kinh tế Hàn phát triển hơn.
Các chuyên gia cho rằng, khi đã chính thức nắm quyền lãnh đạo, ông có thể được kỳ vọng sẽ củng cố quyền lực của mình cả trong Samsung Electronics, cũng như Tập đoàn Samsung, một tập đoàn lớn gồm khoảng 50 công ty con với các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ đóng tàu, xây dựng đến bảo hiểm và giải trí.
"Lee đã hoàn thành quá trình kế vị bằng cách chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch, cấp bậc cao nhất", Park Sang-in, Giáo sư kinh tế tại Trường Quản trị công sau đại học thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nói với Nikkei Asia. "Rất có khả năng ông sẽ cố gắng siết chặt hoạt động của tập đoàn với danh nghĩa thể hiện tầm nhìn mới của mình".
Tờ Korea Herald nhận định, thay vì tìm kiếm những thay đổi "tốn kém" trong cơ cấu quản trị, tân Chủ tịch Samsung có khả năng tăng lợi ích cổ đông để đảm bảo sự ủng hộ nhiều hơn.
Việc thăng chức Chủ tịch của ông từ lâu đã được coi là một bước quan trọng để Lee nắm giữ nhiều quyền lực hơn tại Samsung. Với chức danh mới, tầm nhìn của Lee về một "Samsung mới" sẽ hình thành rõ ràng hơn, trong khi các cuộc đàm phán bị đình trệ về các thương vụ lớn được kỳ vọng sẽ đạt được động lực mới. Chưa kể đến việc tạo động lực lớn về mặt tinh thần cho nhân viên sau nhiều năm bị coi là "khoảng trống lãnh đạo".
Thế hệ kế nghiệp thứ 3 và những thách thức cho vị tân chủ tịch
Năm 1938, ông nội của Lee Jae-yong, Lee Byung-chull, đã thành lập doanh nghiệp hàng hóa tổng hợp nhỏ, tiền thân của tập đoàn Samsung. Cha của Lee Jae-yong, Lee Kun-hee, được ghi nhận là người có công hàng đầu trong việc biến Samsung Electronics từ nhà cung cấp TV và thiết bị giá rẻ một thời thành tên tuổi vinh danh toàn cầu ngày nay thông qua việc tập trung mạnh vào công nghệ và chất lượng.
Tình hình kinh doanh không khả quan
Việc bổ nhiệm Lee vào vị trí chủ tịch điều hành Samsung được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận ròng tập đoàn quý III, tính đến cuối tháng 7, đạt tổng cộng 9,4 nghìn tỉ won (6,7 tỉ USD), giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý II, lợi nhuận ròng giảm 15,4%.
Công ty cũng công bố số liệu cuối cùng về lợi nhuận và doanh thu hoạt động sau khi đưa ra hướng dẫn vào đầu tháng này. Samsung cho biết, lợi nhuận hoạt động giảm 31,4% xuống còn 10,9 nghìn tỉ won trong quý III hàng năm, trong khi doanh thu tăng 3,8% lên 76,8 nghìn tỉ won.
Thu nhập của Samsung, vốn được coi là biểu tượng đất nước cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa ra thông báo, tổng sản phẩm quốc nội tăng 0,3% trong quý III so với ba tháng trước đó, chậm lại so với mức tăng trưởng 0,7% trong quý II. Lý giải nguyên nhân, cơ quan này cho biết, xuất khẩu chất bán dẫn giảm là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm.
Nhu cầu với chip giảm
Theo Samsung, những bất ổn địa chính trị có khả năng làm giảm nhu cầu đối với chip DRAM, được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử, ở một mức độ nào đó cho đến nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng dự báo, nhu cầu có thể phục hồi vào cuối năm tới, được thúc đẩy bởi việc lắp đặt lại các trung tâm dữ liệu và một số việc áp dụng chip mới.
Theo lĩnh vực, lợi nhuận hoạt động trong bộ phận giải pháp thiết bị (DS) của Samsung, chuyên sản xuất chất bán dẫn, đã giảm một nửa xuống còn 5,1 nghìn tỉ won cho quý III so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu chip thấp.
Lợi nhuận hoạt động ở bộ phận trải nghiệm thiết bị (DX), bộ phận sản xuất điện thoại thông minh, TV và thiết bị gia dụng, đã giảm 14,9% xuống còn 3,5 nghìn tỉ won, bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu yếu hơn.
Bên cạnh lạm phát và nền kinh tế toàn cầu suy yếu, Samsung phải đối mặt với sự không chắc chắn tiềm ẩn về hoạt động sản xuất chip nhớ NAND của mình ở Tây An, Trung Quốc.
Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết sẽ không cắt giảm sản lượng chip nhớ Dram và Nand, với hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi trong trung hạn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là giá chip thấp sẽ khiến cho thu nhập của tập đoàn này còn giảm trong ít nhất một thời gian nữa.
Cuộc chiến cổ đông
Theo Tờ Korea Herald, việc thăng chức Chủ tịch của ông từ lâu đã được coi là một bước quan trọng để Lee nắm giữ nhiều quyền lực hơn tại Samsung. Để thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng mới của mình, trong khi cuộc chiến ủy quyền với các cổ đông "phía bên kia" dường như không thể tránh khỏi, Lee được cho là đang phải đối mặt với nhiệm vụ siết chặt quyền lực với 1,6% cổ phần nhỏ bé của mình trong Samsung Electronics.
Lee và gia đình nắm giữ ảnh hưởng đối với các công ty Samsung thông qua số cổ phần lớn trị giá 31,31% của họ trong Samsung C&T, một chi nhánh xây dựng và là đơn vị nắm giữ trên thực tế của tập đoàn. Riêng Lee sở hữu 17,97% cổ phần của công ty, là cổ đông lớn nhất.
Samsung C&T sở hữu 19,34% cổ phần của Samsung Life Insurance, là cổ đông lớn nhất của Samsung Electronics với 8,51% cổ phần. Bất chấp cổ phần thiểu số của mình trong Samsung Electronics, Lee vẫn sử dụng quyền lực thông qua Samsung Life Insurance, một vấn đề trở thành mục tiêu thường xuyên để công chúng giám sát.
Trong nhiều năm, những người đồng cấp cao nhất của Samsung đã tìm cách thay đổi cấu trúc quản trị và tăng cường ảnh hưởng của Lee. Boston Consulting Group được cho là đã đề nghị tham vấn về việc tái cơ cấu tổ chức của ba công ty thành viên chính nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa được tiết lộ.
(Cơ cấu tập đoàn Samsung – Nguồn: The Korea Herald)
Và dự định của Lee
Về phần mình, Lee cho rằng, đã đến lúc Samsung phải hành động bằng cách tập trung vào sức mạnh và công nghệ: "Ngay từ khi Samsung thành lập, con người và công nghệ đã là trung tâm của mọi việc chúng tôi làm, thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi," ông nói trong một bức thư gửi cho nhân viên và được công ty công bố.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều thách thức và đôi khi, chúng tôi đã phải chiến đấu để tạo ra những bước đột phá," ông nói, theo một bài báo mà Samsung chia sẻ với CNN Business. "Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đang ở một thời điểm quan trọng".
"Bây giờ là lúc để lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo của chúng tôi", Lee nói thêm.
Cam kết này trùng khớp với một động lực đầy tham vọng được Samsung công bố vào tháng 5, theo đó tập đoàn này sẽ rót hơn 350 tỉ USD vào các hoạt động kinh doanh của mình và tạo ra 80.000 việc làm mới trong 5 năm tới.
Hầu hết các dự án dự kiến sẽ được thực hiện ở Hàn Quốc và nguồn vốn chủ yếu sẽ tập trung cho sản xuất chip và dược phẩm sinh học.