Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chẳng còn nhiều ý nghĩa khi truyền thông phương Tây cho rằng Bình Nhưỡng đang phát triển hai tên lửa đạn đạo mới. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, được sản xuất tại nhà máy mà Triều Tiên dùng để tạo ra quả tên lửa đạn đạo đầu tiên có thể bắn tới đất Mỹ.
Theo đó, Washington Post dẫn các nguồn tin quen thuộc với các báo cáo tình báo cho biết các cơ quan gián điệp Mỹ đã phát hiện dấu hiệu xây dựng tại Sanumdong, cơ sở nghiên cứu lớn nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Phát hiện mới được phương Tây coi là minh chứng cho việc hoạt động liên tục tại các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bất chấp cuộc gặp lịch sử giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Trump tại Singapore hồi tháng 6.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về việc Triều Tiên tiếp tục sản xuất nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân mặc dù cam kết giải giáp loại vũ khí này. Tuy nhiên, ông Pompeo cũng nhấn mạnh Chính quyền Trump vẫn đang đạt được những tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Với những gì đang diễn ra, câu nói của Tổng thống Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trở thành một sai lầm. "Mọi người có thể cảm thấy an toàn hơn so với ngày tôi nhậm chức. Không còn mối đe dọa nào từ hạt nhân Triều Tiên nữa", ông Trump viết trên Twitter.
Thông điệp của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau cuộc gặp lịch sử tại Singapore, nơi hai nước cam kết làm việc cùng nhau để hướng tới phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, lộ trình chi tiết vẫn là dấu hỏi lớn. Sau cuộc gặp thượng đỉnh, giới chức Mỹ và Triều Tiên cũng cùng nhau làm việc nhưng chưa thể có được tiếng nói chung.
Khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử đang khiến cho những hy vọng lớn lao về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên gặp nhiều trở ngại. Sự kiện được kỳ vọng là dấu mốc mới cho hòa bình thế giới giờ đây đang khiến những người quan tâm cảm thấy thất vọng. Tính tới thời điểm hiện tại, phía Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đạt được bất cứ thành quả nào trong việc hiện thực hóa tuyên bố chung được đưa ra ở Singapore.
Dù cá nhân Tổng thống Trump và các quan chức dưới quyền vẫn tỏ ra lạc quan vào việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng rõ ràng, những thách thức cần vượt qua là vô cùng lớn trong khi phía Mỹ vẫn chưa đưa ra phương án nào có thể khiến tình hình trở nên khả quan hơn.