Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên đang hy vọng có nhiều khả năng sẽ nhận được một số nhượng bộ từ nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ông ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Donald Trump vào ngày mai (12/6).
Trong khi nhiều người trong cộng đồng quốc tế ca ngợi cuộc gặp là bước đột phá về ngoại giao sau nhiều năm quan hệ Mỹ - Triều liên tục căng thẳng với các cuộc thử tên lửa và những tuyên bố về phát triển vũ khí hạt nhân, một sự hoài nghi sâu sắc vẫn bao quanh ý định thật sự của ông Kim.
Theo Miha Hribernik, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, những nỗ lực hòa bình "đại diện cho bước tiếp theo trong chiến dịch "chiến thắng bằng tình cảm – charm offensive" năm 2018 của Bắc Triều Tiên".
"Nếu nhìn vào quá khứ, ông Kim Jong Un đang hy vọng sẽ có thể thúc đẩy nới lỏng lệnh cấm vận hoặc mở ra những sự hỗ trợ khác bằng cách tỏ thái độ sẵn sàng giải giáp vũ khí", Hribernik giải thích. "Nền kinh tế Triều Tiên đang căng thẳng dưới sức nặng của các biện pháp trừng phạt, buộc đất nước này phải sử dụng một chính sách cũ rích."
Các cuộc đàm phán trong quá khứ, đáng chú ý nhất là cuộc đàm phán sáu bên kéo dài từ năm 2003 đến 2009, cho thấy Triều Tiên thường sử dụng các cuộc đối thoại để đổi lấy nhiên liệu, viện trợ hoặc giải phóng các quỹ bị đóng băng.
Năm 1994, chính quyền của Cựu Tổng thống Bill Clinton đã cung cấp một bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng như là một phần của một thỏa thuận ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên cuối cùng thì thỏa thuận này đổ bể.
Mỹ đã hứa với Bình Nhưỡng sẽ cung cấp dầu và hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện sử dụng lò phản ứng nước nhẹ, đổi lại Triều Tiên sẽ ngừng chương trình hạt nhân. Triều Tiên cũng hi vọng Tổng thống Clinton cũng sẽ thăm trước khi rời nhiệm sở, khiến hai nước tiến gần hơn tới bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, thời gian cạn kiệt vào cuối nhiệm kỳ của ông Clinton.
Cuối cùng khi ông George W. Bush lên nắm quyền, Mỹ đã có thái độ cứng rắn hơn với Triều Tiên, hoài nghi Triều Tiên không tuân thủ đúng với thỏa thuận và đến năm 2002 thỏa thuận đổ bể.
Vậy, Bình Nhưỡng muốn gì vào thời điểm này?
Lần này, ông Kim có thể "yêu cầu một điều gì đó" lớn hơn cả viện trợ, Kyle Ferrier, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ, cho biết.
Việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Hàn Quốc từ lâu đã là một yêu cầu từ phía Triều Tiên nhưng vấn đề đó sẽ không được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết hồi đầu tháng này.
"Có thể [ông Kim Jong Un] đang cố để có thể hưởng lợi từ hai chiều - bằng cách nói rằng mình đã sẵn sàng nói về chương trình hạt nhân và bước vào các cuộc đàm phán một cách thiện chí. Có thể ông Kim sẽ đòi hỏi một sự nhượng bộ khó được chấp nhận", Ferrier lưu ý.