Hãng Yonhap dẫn thông tin từ Hội đồng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JSC) cho hay, vào khoảng 3h17 sáng ngày 29/11 (giờ địa phương, khoảng 1h17 giờ Việt Nam), một tên lửa đạn đạo "không rõ chủng loại" được Triều Tiên phóng từ thành phố Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan, về phía vùng biển phía Đông bán đảo.
Tên lửa đạt hành trình khoảng 960 km, độ cao tối đa khoảng 4.500 km.
JSC cho biết, vài phút sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận tấn công tên lửa để trả đũa.
Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, tổng thống Moon Jae In đã triệu tập họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận tình hình.
Đại tá Robert Manning, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết quân đội Mỹ đã giám sát tên lửa do Triều Tiên phóng ra và sơ bộ phán đoán đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tuy nhiên vụ phóng không gây đe dọa với Bắc Mỹ, lãnh thổ nước Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.
Theo ông Manning, tên lửa Triều Tiên di chuyển trong không trung khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 28/11 (giờ địa phương) rằng Mỹ "sẽ xử lý" tình hình ở Triều Tiên sau diễn biến mới này.
"Chúng tôi sẽ lo việc đó," ông Trump nói, thêm rằng Triều Tiên "là một tình huống mà chúng tôi sẽ xử lý". Tổng thống Mỹ nhận được báo cáo về vụ việc ngay khi tên lửa Triều Tiên vẫn bay trong không trung.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa bắn sáng ngày 29 "bay cao hơn bất kỳ vụ phóng thử nào trước đây của họ". Ông cảnh báo Triều Tiên "về cơ bản có thể tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới".
Ông Masaki Hikida, quan chức phụ trách quan hệ công chúng của Bộ quốc phòng Nhật Bản, tên lửa Triều Tiên được phóng từ khu vực phía Tây nước này và bay khoảng 50 phút, trước khi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật.
Trong hai vụ thử ICBM trước đó của Triều Tiên, vào các ngày 4/7 và 28/7, tên lửa bay được khoảng 37 phút.
Phát biểu với báo giới, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về diễn biến mới nhất. Ông Abe khẳng định Nhật sẽ gây sức ép tối đa lên Triều Tiên cùng với sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.
David Wright, giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Quan tâm (UCS) ở Mỹ, cũng ghi nhận ICBM phóng ngày 29/11 của Triều Tiên hoạt động tốt hơn trong hai vụ phóng thử trước, với tầm bắn có khả năng vượt qua 12.800 km, cho phép phóng tới Washington hay bất kỳ điểm nào trên lục địa Mỹ.
"Điều này rất ấn tượng," tiến sĩ Wright nói với New York Times. "Nó được xây dựng dựa trên những gì họ làm được trước đây. Đó là một màn 'khoe cơ bắp' để chứng minh cho Mỹ thấy rằng họ sẽ tiếp tục phát triển [chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa]".
Tuy nhiên, ông Wright cho biết tầm bắn xa của tên lửa không đồng nghĩa với một ICBM vận hành hoàn hảo, chưa kể đến việc tên lửa phải mang một đầu đạn nhiệt hạch.
Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau khoảng 3 tháng "im hơi lặng tiếng". Động thái diễn ra sau khi tổng thống Trump hôm 20/11 tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố", đồng thời Bộ tài chính Mỹ công bố vòng cấm vận mới nhằm vào Bình Nhưỡng. Triều Tiên sau đó chỉ trích hành động của Mỹ là "thách thức và xâm phạm chủ quyền" nước này.
Bên cạnh Mỹ, phía Trung Quốc cũng "đóng cửa tạm thời" cây cầu hữu nghị nối liền Trung-Triều ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc, hồi cuối tuần trước, trong khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận đình chiến khi nổ súng vào một binh sĩ Triều Tiên tìm cách đào tẩu về phía Hàn Quốc qua khu phi quân sự (DMZ) liên Triều.