Triều Tiên ngày 29/11 tuyên bố đã đạt mục tiêu trở thành một quốc gia hạt nhân sau khi thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) có khả năng tấn công vào bất kỳ đâu trên toàn đại lục Mỹ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết sau khi giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15, nhà lãnh đạo Kim Jong Un "tuyên bố với niềm tự hào rằng chúng ta cuối cùng đã hiện thực hóa được sự nghiệp lịch sử lớn lao là hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia".
Vụ phóng thử ICBM của Triều Tiên sáng ngày thứ Tư đã vấp phải sự phản đối mạnh của nhiều nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói đây là một bước tiến lớn của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa có khả năng "đe dọa bất kỳ nơi nào trên thế giới".
Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau hai tháng "án binh bất động" từ hôm 15/9. Vụ thử xóa tan những tia hy vọng trước đó rằng Bình Nhưỡng có thể đang dừng gây hấn nhằm mở ra cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao.
"Hệ thống vũ khí ICBM Hwasong-15 là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gắn đầu đạn nặng siêu lớn, có khả năng tấn công toàn đại lục Mỹ", bản tin của KCNA có đoạn viết. KCNA nói rằng việc phát triển vũ khí này sẽ giúp Triều Tiên tự vệ trước "chính sách tống tiền hạt nhân và sự đe dọa hạt nhân của đế quốc Mỹ".
Đến nay, Bình Nhưỡng chưa chứng tỏ được năng lực công nghệ hồi quyển (re-entry technology), công nghệ đòi hỏi phải có để đưa một đầu đạn quay trở lại khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng nước này đã đạt tới ngưỡng phát triển năng lực tấn công hạt nhân xuyên lục địa thực sự.
Vụ phóng thử vừa diễn ra khiến các nước láng giềng của Triều Tiên gồm Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi đây là một hành động bạo lực không thể tha thứ, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ trích hành động bất cẩn của Bình Nhưỡng.
Giới chức Nhật Bản nói quả tên lửa đã bay trong 53 phút trước khi nổ và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật. Quân đội Hàn Quốc nói quả tên lửa - được Triều Tiên phóng đi với góc lớn so với phương nằm ngang - đã đạt độ cao khoảng 4.500 km và bay 960 km trước khi rơi xuống.
"Nếu Triều Tiên có tên lửa có khả năng bay từ đại lục này sang đại lục khác, tình hình có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát", ông Moon nói trong một cuộc họp khẩn tại Seoul.
Đến nay, Hàn Quốc vẫn nói rằng Mỹ sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu không có sự đồng ý của Seoul, nhưng nhiều người lo ngại Washington có thể hành động mà không tham vấn Hàn Quốc.
Mỹ hiện vẫn đang dùng sức ép kinh tế để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Triều Tiên vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, đồng thời tung lệnh trừng phạt mới đối với các công ty vận tải biển của Triều Tiên và các công ty thương mại Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã gọi động thái này của Mỹ là một "sự gây hấn nghiêm trọng" cho thấy việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ là hoàn toàn hợp lý.