Thừa ủy quyền của Thủ tướng đọc tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng nhu cầu bổ sung dự toán ngân sách năm 2021 nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) là hơn 14.713 tỷ đồng. Khoản này gồm các khoản viện trợ phòng chống dịch là hơn 11.360 tỷ đồng và các khoản viện trợ khác gần 3.353 tỷ.
Thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết, sau rà soát, cơ quan này nhất trí kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách năm 2021 số tiền trên.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng thẳng thắn nêu rõ, việc Chính phủ trình bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước trong đó có những khoản đã chi để thực hiện quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 là chưa tuân thủ quy định, ảnh hưởng đến tính minh bạch và kỷ luật tài chính.
Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành chỉ thị về chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách Nhà nước. Theo đó, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố… xác định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và cá thể hoá trách nhiệm những cá nhân liên quan để xem xét xử lý các sai phạm.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, đưa nội dung này vào nghị quyết về một số nội dung về ngân sách của kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
“Để đảm bảo đủ căn cứ và tính chính xác của số liệu trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương thống nhất toàn bộ số liệu với Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt lưu ý các khoản viện trợ phát sinh năm 2019 trở về trước chưa có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu trình Quốc hội”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Cũng trong chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chính phủ đề xuất điều chỉnh 2.268,248 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên năm 2021 để bổ sung dự toán chi đầu tư năm 2022 thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, gồm 348,180 tỷ đồng cho 42 dự án đã hoàn thành; 1.347,395 tỷ đồng cho 41 dự án chuyển tiếp và 572,673 tỷ đồng cho 12 dự án khởi công mới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.
Về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, Chính phủ cho rằng, một số dự án chuyển tiếp và khởi công mới vào năm 2023 sẽ không thể hoàn thành, tất toán trong năm 2023 và không thuộc đối tượng kéo dài thời gian giải ngân thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, do đó đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép quy định thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2024.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan Nhà nước, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết và đúng quy định.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định việc giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 số tiền như tờ trình và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư của Bộ Tài chính, trong đó cho Tổng cục Thuế là 1.134,8 nghìn tỷ đồng; Tổng cục Hải quan là 1.133,4 tỷ. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang các năm sau để thực hiện đầu tư các dự án của 2 tổng cục, thời gian giải ngân đến hết 31/12/2024 và đưa nội dung này vào nghị quyết về các nội dung của ngân sách trong kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV.