Nếu khoản trợ cấp được xác định là trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số công ty phải chấm dứt HĐLĐ với người lao động và có trả trợ cấp thôi việc, thậm chí có nhiều người được nhận cả hàng trăm triệu đồng do đã làm việc lâu năm và mức lương cao.
Nhiều người lao động thắc mắc có phải chịu thuế thu nhập cho khoản tiền công ty trợ cấp thôi việc hay không?
Người lao động phải chấm dứt HĐLĐ mà có trợ cấp thôi việc thì sẽ không phải chịu thuê thu nhập cho trợ cấp này |
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM, cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhân gồm có thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Do đó, nếu xác định là trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
(Theo Lao Động)