Trò chơi thao túng tiền tệ

15/08/2019 23:14
Nếu thuế quan cản trở người tiêu dùng Mỹ mua hàng Trung Quốc, nhu cầu CNY sẽ yếu đi dẫn đến đồng tiền hạ giá.Đối với Trump, thế giới như đang ở trong cuộc đua hạ giá tiền tệ.

Dưới đây là nội dung bài viết tiêu đề "" của tác giả Jeffrey Frankel đăng trên Project Syndicate. Ông là giáo sư về Hình thành và Tăng trưởng vốn tại Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế thời Tổng thống Bill Clinton. Ông còn là thành viên Ủy ban Chu kỳ Kinh doanh, Viện Quốc gia Mỹ về Nghiên cứu Kinh tế, chuyên dự báo về suy thoái và phục hồi.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa chuyển biến xấu khi Tổng thống Donald Trump đột ngột tuyên bố kế hoạch áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sau đó cho phép đồng tiền nước này - nhân dân tệ (CNY) - hạ giá. Tỷ giá USD/CNY vượt ngưỡng 7. Chính quyền ông Trump nhanh chóng đáp trả với cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, lần đầu tiên trong vòng 25 năm. Các chuyên gia gọi đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ, nhà đầu tư nhanh chóng đẩy giá chứng khoán toàn cầu xuống thấp hơn nữa.

Nhận định của Mỹ rằng CNY suy yếu do thao túng tiền tệ là không chính xác. Đúng hơn là chính phủ Trung Quốc đã để áp lực thị trường quyết định giá trị đồng tiền, mà nguồn cơn trực tiếp đến từ tuyên bố của Trump về loạt thuế mới.

Các học thuyết kinh tế chỉ ra rằng thuế quan không giúp cải thiện cán cân thương mại theo cách những người ủng hộ vẫn nghĩ. Khi tỷ giá hối đoái được điều chỉnh bởi thị trường, nó sẽ lập tức thay đổi để cân bằng với thuế. Một cách tự nhiên, nếu thuế quan cản trở người tiêu dùng Mỹ mua hàng Trung Quốc, nhu cầu CNY sẽ yếu đi dẫn đến đồng tiền hạ giá.

Trò chơi thao túng tiền tệ - Ảnh 1.

Nhân dân tệ mất giá, tỷ giá USD/CNY lần đầu vượt ngưỡng 7 sau hơn một thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Việc đánh giá xem đối tác thương mại có thao túng tiền tệ hay không là nhiệm vụ của Bộ Tài chính Mỹ, với 3 tiêu chí được sử dụng để đánh giá. 2 trong 3 tiêu chí này trùng khớp với các nhận định quốc tế về thao túng tiền tệ theo điều khoản thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): quốc gia liên tục can thiệp để đẩy giá nội tệ xuống và thặng dư tài khoản vãng lai lớn.

Trung Quốc không phạm vào cả 2 tiêu chí này.

Từ khi được trao nhiệm vụ bởi Quốc hội Mỹ vào năm 1988, Bộ Tài chính đã hoàn thành trách nhiệm của họ một cách chuyên nghiệp, bất kể chủ nhân của Nhà Trắng là ai. Quyết định bất ngờ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, dù nước này không đáp ứng các tiêu chí, là kết quả của việc Trump một lần nữa khăng khăng bỏ ngoài tai những quy tắc đã được chấp nhận, kinh nghiệm chuyên mộn, uy tín lâu đời của các tổ chức tín dụng Mỹ và thậm chí cả luật pháp.

Công bằng mà nói, có một giai đoạn Trung Quốc đã thực sự can thiệp nhằm giữ CNY thấp hơn đáng kể so với giá trị thực. Từ 2004 đến giữa 2014, đặc biệt những năm 2004-2008, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp mạnh mẽ nhằm giảm đà tăng giá của CNY theo thị trường. Tuy nhiên trong 10 năm này, giá đồng CNY vẫn cao hơn khoảng 30% so với đồng USD, đỉnh điểm vào năm 2014.

Sau đó tình thế thay đổi. Thị trường quay lưng lại với CNY. Trong 5 năm qua, trái ngược với tuyên bố của Trump và một số chính trị gia khác, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để giảm đà hạ giá của đồng tiền nước này. Giai đoạn 2015 – 2016,  Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiêu tốn 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối (trong tổng số 4.000 tỷ USD) để nâng tỷ giá hối đoái, một nỗ lực trợ giá đến bây giờ vẫn được coi là lớn nhất trong lịch sử.

Quyết định gần đây của chính phủ Trung Quốc để CNY vượt ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD có thể là sự đáp trả có chủ đích đối với loạt thuế mới nhất của Trump. Nhưng Trung Quốc cũng lo ngại đồng tiền nước này sẽ lao dốc quá nhanh, gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Trump, trong khi đó, là bậc thầy trong việc cáo buộc người khác với những vi phạm mà bản thân ông đã thực hiện hoặc đang cân nhắc làm. Trong khi đang cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, Trump lại muốn làm điều tương tự với USD. Không dừng lại ở việc gây áp lực công khai buộc Fed hạ lãi suất, Trump rõ ràng đang cố gắng hạ giá đồng tiền. Có vẻ như đối với Trump, thế giới đang ở trong cuộc đua hạ giá.

Chính quyền Trump thậm chí đã xem xét khả năng can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối để làm suy yếu đồng USD.

“Tôi có thể làm vậy trong vòng 2 giây nếu muốn”, Trump nói ngày 26/7.

Tuy vậy khả năng này khó có thể xảy ra. Lần cuối cùng Mỹ cố gắng hạ giá đồng USD, Hiệp định Plaza 1985, có hiệu lực vì đây là một phần trong sáng kiến G7 phối hợp để điều chỉnh sai lệch trong tỷ giá hối đoái.

Nếu quyết định bắt đầu một cuộc chiến tranh tiền tệ thuần túy với Trung Quốc, Mỹ sẽ ở thế bất lợi, vì nguồn lực để can thiệp vào ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ của chính phủ Trung Quốc. Hơn thế nữa, dù chính sách của Mỹ có vô lý đến mức nào, nhà đầu tư vẫn tiếp tục đối phó với các bất ổn gia tăng trên thế giới bằng cách đổ tiền vào đồng USD, đồng tiền trú ẩn an toàn nhất thế giới. Nghịch lý thay, các biến động gây ra bởi Trump có thể đẩy giá đồng USD lên thay vì xuống.

Trò chơi thao túng tiền tệ - Ảnh 2.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có nguy cơ mở rộng sang lĩnh vực tiền tệ. Ảnh: Getty Images.

Tổng quát hơn, cho đến nay các chính phủ lớn đã tuân thủ một thỏa thuận từ năm 2013 để kiềm chế cạnh tranh hạ giá - theo nghĩa đen là chủ trương làm suy yếu đồng tiền hoặc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Nhưng nếu chiến tranh tiền tệ được định nghĩa rộng hơn bao gồm cả việc ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn đến suy yếu đồng tiền quốc gia, thì kỳ vọng của Trump không hoàn toàn là viển vông.

Lấy ví dụ, việc Ngân hàng Anh đáp lại các cuộc trưng cầu dân ý về Brexit bằng biện pháp kích thích tiền tệ làm mất giá GBP. Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang có ý định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để phù hợp với sự phát triển chậm hơn của khu vực sử dụng đồng euro.

Nỗi lo về chiến tranh tiền tệ (hay hạ giá cạnh tranh) luôn luôn đi kèm với mong muốn tránh chiến tranh thương mại. Cả hai mối quan tâm đều bắt nguồn từ các chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” trong cuộc Đại khủng hoảng, khi các quốc gia cố gắng giành lợi thế cạnh tranh trước đối tác thương mại bằng những biện pháp vô nghĩa.

Tuy nhiên, trên thực tế các cuộc chiến tranh tiền tệ ít gây tổn thất hơn chiến tranh thương mại. Trong khi một cuộc chiến tiền tệ nhiều khả năng dẫn đến chính sách tiền tệ toàn cầu nới lỏng hơn, chiến tranh thương mại diện rộng có thể phá vỡ nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.

Do vậy, ý nghĩa thực sự của việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là leo thang hơn nữa căng thẳng trong cuộc chiến thương mại có thể tránh được giữa 2 nước. Và đáng buồn thay, việc Fed cắt giảm lãi suất có thể khiến các chính trị gia Mỹ lầm tưởng rằng chính sách tiền tệ đủ sức giải quyết các thiệt hại do những sai lầm trong chính sách thương mại của họ gây ra.

Theo Project Syndicate

Tin mới

Khởi tố 2 công ty sữa giả: Lộ diện nhãn sữa phổ biến thị trường
4 giờ trước
Các công ty kinh doanh sữa giả này đã đưa ra thị trường hàng chục triệu sản phẩm sữa bột cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai
Suzuki XL7 bán vượt Toyota Innova Cross, thành vua doanh số hybrid ở Việt Nam tháng 3/2025
4 giờ trước
Kể từ khi công bố riêng doanh số dòng xe hybrid, hiếm khi nào Toyota lại nhường ngôi "vua hybrid" vào tay thương hiệu khác. Nhưng tháng này, Suzuki XL7 đã bứt tốc tốt hơn để trở thành mẫu xe hybrid bán chạy nhất thị trường Việt Nam.
Fujifilm tăng giá loạt máy ảnh và ống kính tại Việt Nam, người dùng "kêu trời" vì giá cao nhưng cũng chẳng có hàng mà mua
5 giờ trước
Trước đó, Fujifilm đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng đầu cơ X100VI trên thị trường chợ đen.
Sản phẩm quốc dân nặng 10g chứa ‘công thức quý báu’, bán ở nước ngoài giá gấp 52 lần tại Việt Nam
5 giờ trước
Nhiều người nước ngoài từng sống hoặc du lịch tại Việt Nam khen mùi thơm đặc trưng của “báu vật” này gợi lại lại cho họ những kỷ niệm đẹp.
Xe Honda dáng đẹp vừa về nước đã hạ giá: Ăn xăng 1,9L/100km, trang bị xịn hơn hẳn xe đối thủ
5 giờ trước
Mẫu xe Honda này vừa chính thức được bán ra một thời gian ngắn.

Tin cùng chuyên mục

Mang iPhone về Mỹ sản xuất, "nhiệm vụ bất khả thi"
10 giờ trước
Liệu Apple có thể đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ như mong muốn của một số chính trị gia? Một phân tích mới từ ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA) vừa đưa ra con số đáng báo động.
Page có tick xanh giả mạo Phú Quý lừa người mua bạc thỏi tại VN
1 ngày trước
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý mới đây đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một tài khoản mang tên công ty nào đó, nhằm chiếm đoạt tiền của Khách hàng.
Livestream Commerce: Giải pháp tăng trưởng doanh nghiệp Việt trong thời đại số
1 ngày trước
Theo NielsenIQ, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt quy mô 45 tỷ USD trong 2025, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đi kèm với áp lực lớn: doanh nghiệp vừa phải tối ưu chi phí, vừa cần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy doanh số trong thị trường cạnh tranh. Vậy đâu là lời giải?
Tiến thần tốc vào quốc gia 119 triệu dân, đây là những gì hãng xe tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang "phủ sóng"
1 ngày trước
Philippines hiện là thị trường quốc tế sở hữu gần như hoàn chỉnh dải sản phẩm của VinFast.