Theo thống kê, Việt Nam có 75,6 triệu người dùng Facebook, Youtube có gần 70 triệu và Tiktok là khoảng 68 triệu người dùng. Cuộc đua view và like vì thế ngày càng khốc liệt.
Tăng view hay like của các tài khoản mạng xã hội không chỉ để nổi tiếng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế, doanh số bán hàng, quảng cáo của các nhãn hàng hay cát xê tham gia sự kiện…
Thời gian gần đây, mạng xã hội nổi lên trào lưu khoe tiền "lố", phô trương sự giàu sang, sang chảnh bằng những clip với nhiều nội dung khác nhau nhằm mục đích câu like, câu view, đặc biệt ở một số tài khoản của các KOLs, người nổi tiếng.
Những clip khoe tiền "lố" không chỉ dừng lại ở những clip ngồi lên tiền, rải khắp tiền trên giường, lấy tiền làm chăn, hay cho vào tủ lạnh rồi ném tiền từ cầu thang xuống, hay thậm chí là cho cả đất ăn tiền...
Không chỉ có các hiện tượng mạng, các KOLs mà ngay cả một số nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz cũng từng khoe vàng, khoe tiền. Có ca sĩ đăng tải hình ảnh, clip trên trang cá nhân được người hâm mộ tặng tặng vàng, tặng hoa kết bằng tiền mặt... Không ít nghệ sỹ còn khoe hàng hiệu, khoe du lịch sang chảnh, khoe cuộc sống thượng lưu.
Dù nội dung truyền tải không có gì nhưng những đoạn clip kiểu như thế này vẫn thu hút đến hàng nghìn lượt thả tim, thậm chí là hàng triệu người xem. Có lẽ cũng vì những chiếc tim ảo mà khiến nhiều người tưởng rằng mình đang được nổi tiếng và đang gây được sự chú ý với nhiều người.
Những clip khoe khoang này cũng gây ra rất nhiều hệ lụy cho cuộc sống không chỉ bị nghe chỉ trích từ cư dân mạng, mà cũng có thể tự đưa bản thân vào tầm ngắm của đối tượng trộm cắp tài sản, hay thậm chí cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Các KOLs, người nổi tiếng, thậm chí là cả các nghệ sỹ khoe của, khoe sự sang chảnh gây "lố" trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng, nhất là giới trẻ.
Vừa qua, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72, bổ sung hàng loạt quy định với các hoạt động trên không gian mạng, mạng xã hội. Dự kiến, đến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được ban hành. Khi đó, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và sẽ tăng mức xử phạt tiền hoặc những hình phạt bổ sung đối với vi phạm trên không gian mạng để tăng tính răn đe.
Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính, Bộ cũng tham mưu tăng mức xử phạt, có thể xử lý hình sự tuỳ từng trường hợp, tính chất nghiêm trọng của vi phạm trên không gian mạng. Từ đó, các nghệ sĩ, KOL mới cẩn thận hơn với những phát ngôn, hành vi trên mạng xã hội sẽ tác động đến nhiều người.
Nói về điều này, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ Thông tin và Truyền thông) - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: "Đối với một bộ phận lớn người dân, mức xử phạt hiện tại có mức tác động lớn. Thế nhưng, đối với một số người, mức xử phạt trên chưa đủ răn đe, ở đây là nghệ sĩ, người nổi tiếng, thậm chí là những người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng này dùng tin giả, tin xấu để kích thích người dùng, câu view, gây sự quan tâm để bán được hàng hoặc đạt được mục đích.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng nhận các hợp đồng quảng cáo hàng trăm triệu, lên đến hàng tỷ đồng nên dù có phạt 1/10 số đó cũng không khiến họ chấp nhận bị xử phạt".
Sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là của video ngắn đang tàn phá văn hóa đọc của giới trẻ, cổ vũ cho sự nhảm nhí, nông cạn. "Đó là một mối lo cho thế hệ tương lai, tuy nhiên Nhà nước không thể ra những quy định cấm mạng xã hội hay cấm video ngắn được, vì đây là xu thế của thời đại. Chính vì thế phải giáo dục cho giới trẻ để có khả năng đề kháng, thích nghi. Vẫn có thể tham gia mạng xã hội, xem video ngắn nhưng phải đọc sách, đọc sâu, đọc chậm", ông Tự Do nói.
Bộ TT&TT cũng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp người sử dụng có thể nhận biết và cảnh giác hơn với các thông tin "rác", xấu độc.
Trả lời về điều này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông Luật cho biết, hiện nay, việc đăng tải những hình ảnh, video để câu like, câu view trên mạng xã hội ngày càng nhiều và đã trở thành hiện tượng hot trên mạng xã hội. Mục đích của những việc này là nhằm tăng tương tác, thu hút nhiều người theo dõi, tạo ấn tượng, gia tăng sự nổi tiếng cũng như hoạt động kiếm tiền.
Mặc dù vậy, việc một bộ phận người dùng mạng xã hội nhất là với giới trẻ (còn bồng bột, thích tò mò, muốn chứng tỏ bản thân) đã dần biến tướng hiệu tượng này theo hướng tiêu cực như đưa tin giật gân, đăng tải hình ảnh, video mang tính chất phản cảm, đồi trụy, dùng từ ngữ thiếu văn hóa, và gần đây là trào lưu khoe của, khoe tiền, khoe sự sang chảnh ... gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội.
"Điều này có thể hủy hoại sự lành mạnh không gian mạng, gây mất trật tự xã hội, khiến nhiều người trở nên nghiện mạng xã hội và dần lệch lạc về suy nghĩ cũng như hành vi của bản thân mà để lại những hậu quả khó có thể lường trước được", ông Bình chia sẻ quan điểm.
Về góc độ xử lý hành vi câu like, câu view "bẩn" trên không gian mạng, luật sư Bình nói: "Đối với vấn đề này, trước hết cần xem xét hành vi đó có dấu hiệu vi phạm hay không. Giả sử như hành vi đó có dấu hiệu vi phạm thì tùy vào tình chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật".
Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài áp dụng hiện chưa đủ sức răn đe, một bộ phận có dấu hiệu "nhờn luật". Ông Bình cho rằng: "Theo quan điểm cá nhân, việc tăng nặng chế tài xử lý là điều cần thiết và Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh quy định phù hợp. Trong một số vụ việc, chế tài xử lý vần còn khá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra.
Hơn nữa, việc công nghệ thông tin phát triển như hiện nay có thể khiến cho hành vi vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều, việc kiểm soát là rất khó khăn, sẽ dẫn đến bỏ lọt vi phạm. Chính vì lẽ đó, việc tăng nặng chế tài xử lý có thể góp phần hạn chế cũng như ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm trên không gian mạng".