Kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan cho đến nay, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chi tới 9 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. "Làn sóng" tiền đó đã biến Cục Dự trữ Liên bang (Fed), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) trở thành những con cá voi trên thị trường, nâng tổng giá trị tài sản mà họ đang nắm giữ lên 24 nghìn tỷ USD.
Giờ đây, những cuộc thảo luận đang chuyển hướng đến việc các NHTW sẽ giảm bớt quy mô của những chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ và thách thức đối với nền kinh tế sau động thái đó.
Giá trị tài sản mà 3 NHTW lớn đã mua có quy mô tương đương với rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới cộng lại.
Vậy toàn bộ số tiền mà các NHTW hỗ trợ thị trường đã đi về đâu?
Rõ ràng rằng, họ đã mua rất nhiều trái phiếu để giúp chính phủ tài trợ cho các gói kích thích kinh tế.
Fed đã mua một lượng lớn trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp, nhiều hơn so với các NHTW khác, với kỳ vọng hỗ trợ một lĩnh vực vốn đã gây rất nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trên thực tế, số tiền Fed chi cho loại tài sản này đủ để mua hơn 1 triệu căn nhà ở New York. Một số quan chức Fed cho rằng chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp chính là lĩnh vực họ cần giảm quy mô trước tiên.
Trong khi đó, ECB và BOJ lại đưa ra hướng đi tích cực hơn với các khoản vay, giúp các doanh nghiệp hoạt duy trì hoạt động, người lao động giữ được việc làm và ngăn chặn tình trạng nợ xấu chồng chất đối với các ngân hàng. Hiện tại, ở Nhật Bản, khoản vay mới được triển khai sẽ hỗ trợ mọi doanh nghiệp ngừng hoạt động kể từ mùa thu năm 2003 chi trả các khoản nợ.
Các ngân hàng trung ương thực sự "nợ" những gì?
Các NHTW thực hiện theo các quy tắc kế toán cơ bản. Do đó, toàn bộ số tài sản hàng nghìn tỷ USD đều phải được thanh toán phù hợp. Trong thời kỳ đại dịch, phần lớn trong số đó đã trở thành tiền gửi ngân hàng, khiến những nhà băng "tràn ngập" trong thanh khoản.
Việc bơm tiền vào nền kinh tế sẽ là chìa khóa để duy trì sự hồi phục khi các NHTW rút lại các biện pháp kích thích. Tại châu Âu và Mỹ, tiền gửi của chính phủ và tiền lưu thông do công chúng nắm giữ cũng đang tăng lên.
Khoản tiền kích thích khổng lồ có thực sự hỗ trợ nền kinh tế, hay chỉ có lợi cho định giá tài sản?
Rõ ràng rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn hiện tại nếu các NHTW không nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Hơn nữa, các chính phủ sẽ không thể tài trợ cho các khoản chi tiêu về y tế và phúc lợi nếu không có sự trợ giúp của NHTW.
Tuy nhiên, nhiều loại tài sản như cổ phiếu công nghệ và bất động sản cùng những người sở hữu đã ghi nhận lợi nhuận tốt hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người lao động trong năm qua. Fed cũng công bố dữ liệu cho thấy người giàu đang trở nên giàu hơn và người nghèo thậm chí tiếp tục tụt lại phía sau trong thời kỳ đại dịch.
Những đợt bơm tiền ồ ạt sẽ còn kéo dài bao lâu?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Một số ý kiến lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng đột biến do số tiền quá lớn được bơm vào nền kinh tế. Trong khi đó, số khác lo sợ về ảnh hưởng quá lớn của các NHTW trên thị trường tự do, chẳng hạn BOJ sở hữu gần một nửa số trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang lưu hành.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã mua trái phiếu và bảng cân đối kế toán hiện còn lớn hơn quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, Fed và ECB sẽ phải tiếp tục mua tài sản với tốc độ hiện tại trong nhiều năm mới có thể "đuổi kịp" BOJ. Do đó, có thể thấy, họ có thể vẫn chưa vượt quá "room" chính sách.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Tháng trước, Fed cho biết sẽ bắt đầu thảo luận về việc giảm quy mô mua tài sản. Kể từ đó, một loạt quan chức NHTW đã nhắc đến thời điểm và cách thức thực hiện bước đi này có thể sẽ với tốc độ chậm. Có thể, họ muốn thị trường tài chính dần quen với ý tưởng này.
Trong khi đó, BOJ đang giảm mức chi tiêu đối với các quỹ ETF. Tuy nhiên, họ cam kết sẽ tiếp tục mua trái phiếu trong thời gian cần thiết để thúc đẩy lạm phát, vốn vẫn còn cách xa mục tiêu. ECB cũng cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa và cảnh giác với những lời chỉ trích về việc giảm quy mô kích thích quá sớm sau cuộc khủng hoảng gần nhất.
Hiện tại, 3 NHTW này vẫn đang chi hàng trăm tỷ USD mỗi tháng để hỗ trợ chính phủ khắc phục hậu quả của đại dịch. Ngoài ra, trong khi việc giảm tốc độ mua tài sản có thể sắp được thực hiện, đặc biệt là Fed, thì việc đảo ngược chính sách và bán chứng khoán vẫn là một điều khá xa vời. Việc đưa thế giới thoát khỏi những gói kích thích khổng lồ như vậy sẽ định hình bối cảnh kinh tế và thị trường trong nhiều năm tới.
Tham khảo Bloomberg