Công ty cổ phần VNG (mã CK: VNZ) là một công ty công nghệ Việt Nam với 4 mảng sản phẩm chính là trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và dịch vụ điện toán đám mây. Tiền thân của VNG là công ty Vinagame được thành lập vào tháng 9 năm 2004.
VNG được biết đến nhiều từ trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ, sau này là cổng thông tin ứng dụng Zing, Zalo, ZaloPay,...
Hiện nay, VNG có 12 công ty con sở hữu trực tiếp và 14 công ty con sở hữu gián tiếp. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 7.801 tỷ đồng và lỗ trước thuế là 943 tỷ đồng. Sau thuế, trừ đi lợi ích cổ đông không kiểm soát, VNG lỗ 858 tỷ đồng.
Trái ngược với gam màu xám của kết quả kinh doanh, cổ phiếu VNZ những ngày gần đây ngập trong sắc tím. Thị giá của VNZ đã tăng tới 113% chỉ sau 4 phiên liên tiếp. Với thị giá đóng cửa ngày 06/02/2023 là 510.900 đồng/cổ phiếu, VNZ của VNG là cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán và đà tăng có thể còn chưa dừng lại.
Về nhân sự, theo thông tin công bố, tính đến ngày 14/12/2022, số lượng lao động tại công ty cổ phần VNG là 2.565 người, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm đến 81,7%.
Về chính sách đãi ngộ, từ năm 2013, VNG thực hiện chính sách đãi ngộ mới, đảm bảo 100% người lao động biết được chế độ khen thưởng của Công ty, mức khen thưởng của mình dựa trên kết quả công việc nhằm tạo động lực, khuyến khích đến từng cá nhân. Hệ thống đãi ngộ của VNG được phân thành 4 loại, bao gồm:
- Lương: lương sản xuất, kinh doanh (12 tháng), lương tháng 13 được thưởng vào Tết nguyên đán
- Phụ cấp: phương tiện di chuyển, chi phí điện thoại, thiết bị truy cập không dây, phụ cấp kiêm nhiệm
- Thưởng: theo hiệu quả kinh doanh, thành tích thực hiện dự án/công việc, thưởng vào ngày sinh nhật công ty
- Phúc lợi: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cho người lao động và người thân, khám sức khỏe định kỳ và chế độ nghỉ mát,..
Về mức thu nhập cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, bình quân một người lao động ở VNG được nhận mức lương/thu nhập là 25,4 triệu đồng, tăng 14% so với năm 2021.