Trở về cuộc sống trước dịch Covid-19 không còn là “giấc mơ xa vời” ở một số nước châu Âu

20/09/2021 16:06
Ở một số nước châu Âu, việc tận hưởng cuộc sống như trước đại dịch hoặc ít nhất là một phiên bản gần như vậy đã không còn là giấc mơ xa vời.

Dỡ bỏ hạn chế

Những người đã tiêm vaccine đầy đủ ở Hà Lan có thể đi nhảy trong các câu lạc bộ đông đúc và tham gia các bữa tiệc mà không cần duy trì giãn cách xã hội từ 25/9. Thay vào đó, chính phủ sẽ bắt đầu bắt buộc sử dụng thẻ thông hành vaccine, Thủ tướng Mark Rutte cho biết trong cuộc họp báo hôm 14/9.

Đan Mạch đã chấm dứt tất cả các lệnh hạn chế Covid-19 vào 2 tuần trước, trở thành nước EU đầu tiên hoàn toàn quay lại cuộc sống bình thường trước đại dịch. Người dân nước này không cần đeo khẩu trang hay thậm chí không cần giấy chứng nhận tiêm vaccine khi đến các buổi hòa nhạc hoặc phòng tập gym.

Cuối tháng 8/2021, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết, chính phủ không còn coi Covid-19 là "một dịch bệnh đe dọa tới xã hội". Hướng tiếp cận này đã dẫn đến việc chấm dứt các biện pháp như đóng cửa đất nước hay các yêu cầu bắt buộc về đi lại trong đại dịch Covid-19.

Cùng với những quốc gia chấm dứt các biện pháp hạn chế trên còn có Thụy Điển, nước từng gây chú ý với biện pháp phản ứng "không can thiệp" trong đại dịch Covid-19. Hầu hết các biện pháp hạn chế ở Thụy Điển, trong đó có việc giới hạn tụ tập ở không gian riêng tư và không gian công cộng, cũng như khuyến cáo làm việc ở nhà sẽ hết hạn vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Y tế và Các vấn đề xã hội Lena Hallengren thông báo vào đầu tháng này.

Các du khách đi lại tới những quốc gia này vẫn cần xét nghiệm và cách ly nếu chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Biến thể Delta vẫn phủ bóng một số nước châu Âu

Đan Mạch và Thụy Điển đều là những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao. Theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford, tại Đan Mạch, hơn 80% người trưởng thành đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ và tại Thụy Điển, con số này là hơn 70%.

Tại Hà Lan, tỷ lệ tiêm vaccine ở khoảng 60%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge hy vọng rằng, việc người dân được tự do hơn trong cuộc sống hàng ngày cùng với yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine sẽ thúc đẩy chương trình tiêm chủng ở nước này.

Việc dỡ các biện pháp hạn chế diễn ra giữa bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm gia tăng ở một số nước châu Âu và phần còn lại của thế giới, chủ yếu do biến thể Delta gây nên. Theo bản đồ của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch châu Âu (ECDC), các vùng đỏ đã ít hơn nhiều so với những tuần trước đó, song cũng cho thấy tình trạng khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.

Tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng chậm hơn, virus vẫn đang hoành hành.

Với khoảng 20% dân số được tiêm vaccine đầy đủ, Bulgaria đã phải giới hạn các hoạt động xã hội và áp đặt thêm các biện pháp hạn chế. Mặc dù số ca lây nhiễm tăng cao nhưng hầu hết các quốc gia vùng Balkan vẫn thực hiện hầu như rất ít biện pháp hạn chế.

Thậm chí, những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao hiện cũng đang trải qua sự gia tăng về số ca mắc. Dù đã tiêm vaccine cho khoảng 60% người trưởng thành đủ điều kiện nhưng Áo đang chứng kiến số ca mắc tăng cao và vì vậy, đã phải rút ngắn thời hạn giá trị của xét nghiệm PCR - một yêu cầu bắt buộc để vào hầu hết các địa điểm công cộng ở nước này.

Na Uy, nước láng giềng của Đan Mạch và Thụy Điển đang trải qua làn sóng lây nhiễm mới mặc dù có tỷ lệ tiêm vaccine khoảng 70%, ECDC cho hay.

Hồi kết của Covid-19?

Cuối tháng 5, chính phủ Đan Mạch đã ban hành hộ chiếu vaccine dưới dạng QR Code với mã màu xanh lá cây trên ứng dụng cho những người âm tính với virus SARS-CoV-2.

Khi các biện pháp bắt buộc được áp dụng ở một số nước châu Âu như Pháp, Italy và Hy Lạp, việc này thường dẫn đến sự phản kháng và trong một vài trường hợp là những cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch là những quốc gia có mức độ tín nhiệm cao vào chính quyền, điều mà các chuyên gia cho rằng đã giúp những nước này có được lợi thế trong việc đối phó với dịch bệnh. Việc này cũng khiến các chính phủ dễ dàng hơn khi thực hiện các chương trình truy vết.

"Chúng tôi có một chương trình xét nghiệm trên quy mô lớn để theo dấu những người mắc bệnh theo từng khu vực, cũng như thực hiện các biện pháp phong tỏa địa phương rất hiệu quả. Chúng tôi có thể tiến hành những việc này rất đơn giản bởi người Đan Mạch có sự tín nhiệm cao vào các nhà chức trách y tế cũng như các chương trình tiêm vaccine", Camilla Holten Moller, nhà dịch tễ học tại Viện Huyết thanh Statens nhận định với DW.

Những nhà hoạch định chính sách ở 3 quốc gia này rất thực tế về nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới vào mùa thu và đặc biệt là những ca đột phá nhưng họ vẫn kiên trì với mục tiêu đưa virus vào tầm kiểm soát và giảm sức ép lên các bệnh viện.

"Tôi không cho rằng Đan Mạch sẽ phải phong tỏa toàn quốc một lần nữa. Chúng tôi đã chứng minh được rằng, hệ thống xét nghiệm trên quy mô lớn cho phép chúng tôi kiểm soát dịch bệnh với việc phong tỏa địa phương", chuyên gia Holten Moller cho hay.

Chính phủ Hà Lan sẽ giám sát số ca mắc Covid-19 cần nhập viện và chăm sóc tích cực thay vì quan tâm đến số ca mắc, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge cho biết trong một bức thư gửi lên nghị viện.

Hồi kết của Covid-19 ở Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển là một nỗ lực cân bằng khéo léo giữa việc kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp hạn chế và bảo vệ với việc thận trọng quay lại cuộc sống trước đại dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine cao cũng đồng nghĩa với việc những quốc gia này có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất do Covid-19 gây nên trong khi thực hiện rất ít các biện pháp hạn chế./.


Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
8 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
7 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
7 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
7 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
6 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
7 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.