Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP Việt Nam trong quý 3 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy những tác động nặng nề của làn sóng dịch COVID-19 lớn hơn mọi dự đoán của giới kinh tế trước đó.
Trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, khoảng 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Như vậy, bình quân 1 tháng có khoảng 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trải qua hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, đến nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã dần nới lỏng giãn cách, trở lại trạng thái bình thường mới. Nhiều doanh nghiệp đã dần quay lại với hoạt động kinh doanh trước kia. Song, việc quay lại vận hành cũng đòi hỏi doanh nghiệp thích ứng với thay đổi như nguy cơ thiếu hụt lao động, sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng dễ đứt gãy…
Việc buộc phải làm quen với tình hình mới, nối lại chuỗi sản xuất, bên cạnh công tác kiểm soát dịch cần được ưu tiên và nỗ lực thực hiện lúc này. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là… bằng cách nào?
Talk show "Trỗi dậy sau khủng hoảng" tới đây của Trí thức trẻ tìm ra những góc nhìn của chuyên gia, hay "đàu tàu" của doanh nghiệp đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, nói về bối cảnh thị trường hậu COVID-19 và cùng trả lời cho câu hỏi chung nhất: "Làm thế nào để trỗi dậy?".
Chương trình tập trung vào việc doanh nghiệp đã đối mặt với những thử thách ra sao và vượt qua chúng như thế nào. Cùng với đó, đâu là cơ hội để họ tăng trưởng, phát triển và thậm chí là "cất cánh" giai đoạn đại dịch đã dần được kiểm soát?
Số đầu tiên của chương trình sẽ lên sóng vào lúc 14h ngày 8/11/2021 với khách mời là PGS.TS. Trần Đình Thiên. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, ông cũng là Ủy viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.