Doanh nghiệp FDI hưởng ưu đãi nhiều hơn, đóng thuế ít
Dù doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có điều kiện tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng tốt hơn doanh nghiệp trong nước, được ưu đãi và "trải thảm" hơn, nhưng đóng thuế thấp hơn nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều hơn so với doanh nghiệp trong nước. (Ảnh minh họa: KT)
|
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2018 tại Hà Nội ngày 19/6, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam còn yếu, xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ làm ăn có lãi vẫn thấp. Mức độ kết nối của doanh nghiệp tư nhân chưa thành công vào kinh tế toàn cầu...
Ông Đậu Anh Tuấn
Trong khi đó, ông Tuấn nêu thực tế, doanh nghiệp FDI có điều kiện kinh doanh, tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn và được quan tâm.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, tổng thuế mà doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp là 43,82% trong khi doanh nghiệp FDI chỉ góp 25,28%.
Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, không phải thay đổi chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, nhưng khu vực tư nhân trong nước cũng cần phải được quan tâm, thụ hưởng ưu đãi từ chính sách tốt hơn trong thời gian tới để khu vực này mạnh hơn trong tương lai.
"Vì suy cho cùng, doanh nghiệp trong nước mới là nền tảng, trụ cột của nền kinh tế Việt Nam", ông Tuấn bày tỏ.
Ông Phan Đức Hiếu
|
Tán thành quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu khẳng định: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Ông Hiếu nêu rõ, hiện nay cải cách của Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về xóa bỏ rào cản như gánh nặng chi phí của doanh nghiệp và cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó thành hiện thực?
TS. Võ Trí Thành, nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra là khó khả thi.
TS. Võ Trí Thành
|
Bởi lẽ tình hình trong những năm qua cả về môi trường đầu tư kinh doanh lẫn cải cách "cởi trói" cho doanh trên thực tế vẫn không có sự chuyển biến đáng kể, TS. Thành nhận xét.
Theo chuyên gia này, quỹ thời gian từ nay đến năm 2020 cũng không còn nhiều nữa, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KHĐT) thì cho rằng, trong 3 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm sáng như số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tiếp tục tăng, tỉ lệ xuất khẩu cao, môi trường đầu tư ít nhiều được cải thiện...
TS. Trần Thị Hồng Minh
|
Tuy nhiên, TS. Minh cũng nhận định, để đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, môi trường kinh doanh cần phải cải thiện nhiều hơn nữa thì mới đáp ứng được thực tế phát triển của doanh nghiệp.
Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, do đó bà Minh tin tưởng, nếu cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh tốt thì doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2018 cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay là 1.161 nghìn tỷ đồng./.