Mới đây, Hệ thống Mầm non STEAMe GARTEN đã có văn bản gửi tới phụ huynh học sinh. STEAMe GARDEN cho biết gần đây có một số thông tin tiêu cực, không chính thống, không rõ ràng về STEAMe GARTEN khiến cộng đồng Phụ huynh học sinh băn khoăn, hoang mang về sự ổn định và tương lai phát triển của STEAMe GARTEN, gây tâm lý bất an cho Phụ huynh.
Theo trường mầm non này, đại dịch Covid-19 xảy ra để lại những hậu quả nghiêm trọng, và STEAMe GARTEN cũng không ngoại lệ. Nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục iGARTEN (đơn vị sở hữu STEAMe GARTEN) đang từng bước giải quyết các vấn đề đó theo một lộ trình hợp lý.
Riêng về công tác giáo dục và các hoạt động của nhà trường, cả hệ thống đã vực dậy và tiếp tục các hoạt động một cách bình thường. Trường này cho biết lượng quan tâm và đăng ký cho con theo học từ các PHHS có sự gia tăng.
"STEAMe GARTEN mong rằng các phụ huynh tiếp tục giữ vững niềm tin với STEAMe GARTEN và đồng hành cùng thầy cô, cũng như mong tất cả PHHS tỉnh táo, sáng suốt khi theo dõi các nguồn tin (có thể chưa được kiểm chứng, hoặc chưa rõ ràng) tránh “hoang báo”, gây ảnh hưởng tới môi trường giáo dục của các bé" - Thông báo trên viết.
Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục iGARTEN là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC). Thời gian gần đây, IBC và các công ty cùng hệ sinh thái đang vướng vào nhiều khó khăn.
CTCP Phát triển giáo dục IGARTEN còn nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) từ 6 đến 24 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với số lượng 732 lao động và thời gian nợ 16 tháng, số tiền Igarten đang nợ BHXH là 14,3 tỷ đồng.
Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders còn bị nhân viên tố nợ lương; phụ huynh đã đóng học phí nhưng trung tâm ngừng hoạt động hoặc chuyển từ học trực tiếp trực tuyến không đúng như cam kết.
Trước các vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thủy (thường được gọi là Shark Thủy sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam) đã lên tiếng xin cổ đông thấu hiểu, đồng thuận giảm lãi suất, cho thêm cơ hội để toàn hệ thống này phục hồi và có thời gian trả nợ.
Trên thị trường chứng khoán, IBC đã giảm sàn liên tiếp 22 phiên, giá cổ phiếu chỉ còn 3.220 đồng/cp. Cú trượt dốc khiến giá trị IBC đã “bốc hơi” 83% kể từ đầu tháng 11 và vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hơn 1.300 tỷ đồng chỉ còn hơn 267 tỷ đồng.