Đó là chia sẻ của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành, trong cuộc họp Báo cáo vĩ mô quý 2 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) sáng 11/7.
Còn phải giải trình với Mỹ nhiều
Theo TS. Võ Trí Thành, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,3%, chủ yếu nhờ một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nhưng với Mỹ, Việt Nam lại đang có hai vấn đề, một là thặng dư thương mại và hai là Việt Nam nằm trong danh sách các nước bị theo dõi thao túng tiền tệ.
"Điều tốt là chúng ta đã ứng xử rất kịp thời, chu đáo nên cho đến nay mọi việc vẫn tương đối ổn thỏa. Việt Nam không bị xếp vào nhóm thao túng tiền tệ. Dù ông Donald Trump nói gay gắt về thặng dư thương mại với Việt Nam nhưng chúng ta đã giải trình rõ ràng với Mỹ.
Chúng ta sẽ còn phải nỗ lực giải trình, nỗ lực chống gian lận thương mại, vì thế cần hạn chế nói việc dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Rất đáng buồn khi có nhiều kiến nghị về tỷ giá lại chỉ nhìn khía cạnh thương mại, cứ bảo phải phá giá đồng tiền bao nhiêu phần trăm. Tôi nhấn mạnh là chúng ta còn phải giải trình, không chỉ là câu chuyện tỷ giá mà kể cả những việc nhỏ như mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối", ông Thành nói.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2019 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng nhấn mạnh tới vấn đề trên.
Theo VEPR, tiếp đà quý 1/2019, tỷ giá trung tâm đã tăng trong quý 2, dù mức tăng không lớn. Thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tuy không tuyên bố chính thức nhưng đã phá giá đồng VND theo mức độ hợp lý.
Tuy vậy, VEPR chỉ ra mức thay đổi tỷ giá đang ngày một thấp hơn dưới áp lực từ phía quốc tế quý 4/2018 tăng 1,8%, quý 1/2019 tăng 1%, quý 2/2019 chỉ tăng 0,3%.
Nhóm nghiên cứu của VEPR dự báo trong quý tới, tỷ giá sẽ không biến động đáng kể do 3 lý do: FED khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong tháng 7, các đồng tiền châu Á đang được cho là bị đánh giá thấp so với USD, Việt Nam nằm trong danh sách bị giám sát tiền tệ do yếu tố thặng dư thương mại và cán cân vãng lai.
"Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất.
Chúng tôi cho rằng hai biến số này sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra. Việc Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi về cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ vào tháng Năm đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Việc hạ thấp giá trị của đồng VND để tăng cường thương mại sẽ là quyết định không sáng suốt trong thời điểm này", báo cáo của VEPR khuyến nghị.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá đã ổn định hơn so với trước đây. Với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của Ngân hàng Nhà nước cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định. Dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá biến động 1,5-2%.
EVFTA: Thử thách mới cho Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, được ký kết vào 30/6/2019. Đây được coi là bước ngoặt sau 9 năm đàm phán tạo nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Hiệp định trước hết mở ra cho Việt Nam cơ hội tiếp cận sâu, rộng với EU – một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
EVFTA hứa hẹn cắt giảm 100% dòng thuế trong vòng 7 năm, nhưng chỉ ngay sau năm 2020, thuế suất của hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Thứ hai, EVFTA được dự báo góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 – 2023.
Thứ ba, Hiệp định được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở rộng khả năng tiếp cận với sản phẩm công nghệ cao.
Cùng với đó, các chính sách về môi trường, lao động, quy tắc xuất xứ,... cũng sẽ được cải thiện để thỏa mãn yêu cầu của một FTA thế hệ mới. Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thử thách với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với không ít những thách thức. Về phía thương mại, việc dễ dàng cho hàng hóa Việt tiếp cận thị trường EU cũng bị đánh đổi bằng việc hàng hóa châu Âu sẽ vào nội địa dễ dàng hơn, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên chính sân nhà.
"Việc nâng cao và đảm bảo những yêu cầu về chất lượng môi trường và chính sách về lao động,... đặt áp lực chi phí lên các doanh nghiệp. Tiêu biểu như việc Việt Nam đang xoay xở để gỡ bỏ thẻ vàng cho hàng thủy sản Việt Nam trước kỳ kiểm tra của EC tới đây.
Song song, vấn đề sở hữu trí tuệ - điểm yếu muôn thuở của nền kinh tế cần được triệt để giải quyết: cải cách thể chế đi cùng với hướng dẫn thực thi cần được tích cực tiến hành để đáp ứng yêu cầu từ phía EU, doanh nghiệp cũng cần hiểu và thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ trong việc sở hữu trí tuệ của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba,…", VEPR khuyến nghị.