Vườn bưởi xen cam của ông Phong được xử lý ra hoa, đậu trái đúng vào mùa nghịch nên nguồn thu luôn ở mức cao. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông luôn sung túc, ổn định hơn 10 năm qua. Ông Phong chia sẻ: “Vườn bưởi mới xử lý cho ra bông, năm nay lượng bông đạt khá so với cùng kỳ năm trước, dự tính vụ thu hoạch tới sẽ bội thu...”.
Ông Vũ Ngọc Phong phấn khởi với mô hình trồng bưởi da xanh xen cam sành của mình. Ảnh: Thanh Thảo
Nói về cơ duyên đến với cây có múi, ông Phong tâm tình: “Trước đây, toàn bộ diện tích vườn 1ha tôi trồng đủ loại cây ăn trái, sau đó chuyển sang trồng mía, rồi trồng dừa… nhưng lợi nhuận không cao. Sở thích xem các chương trình dành cho nông dân trên báo, đài đã mở hướng cho tôi tìm đến cây bưởi da xanh và sau đó là cây cam sành”. Từ 5 công bưởi ban đầu, sau 5 năm cho trái, ông Phong trồng xen canh thêm cam sành, sau đó phá toàn bộ vườn dừa trồng chuyên canh 3 công cam sành. Cây cam sành trồng 2 năm bắt đầu cho trái và năng suất khá cao. "Ban đầu thấy tui trồng bưởi xen cam có người kêu là tham. Giờ thu nhập tăng lên thì không sợ tiếng tham nữa..", ông Phong dí dỏm.
Trong quá trình canh tác, ông Phong đúc kết kinh nghiệm: Để cây bưởi, cây cam ăn trái được lâu dài và đảm bảo cho cây chống chịu thời tiết, dịch bệnh thì sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ bệnh trên cây bằng các chế phẩm sinh học. Còn phân bón chủ yếu sử dụng phân bò ủ mục để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Vườn cây luôn giữ thông thoáng, làm sạch cỏ, đào các rãnh thoát nước phòng khi mưa lớn nước không đọng vũng gây thối rễ.
10 công bưởi xen cam và 3 công cam trồng chuyên canh cho sản lượng bưởi mỗi năm ước đạt 10 tấn và cam sành khoảng 25 tấn, trừ hết các khoản chi phí, ông Phong thu về lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2018, vườn cam nhà ông Phong sẽ thu hoạch khoảng 30 tấn trái…