Theo các "chuyên gia" làm nghề đu đủ bonsai, khi cây cho quả to đẹp bà con phải chú ý bao trái để quả tránh được sâu, bệnh hại và ánh nắng mạnh làm hại quả.
Theo ông Xuân, một chủ vườn từng có tiếng ở Thủ đô khi ông làm thành công hàng đu đủ bonsai và có thu nhập cao từ nghề này. Ông Xuân cho biết, nếu bà con chưa biết trồng cây gì để bán Tết hiệu quả, tôi khuyên bà con nên thử làm đu đủ bonsai. Cũng giống như cây sung, cây đu đủ cảnh chơi Tết thể hiện cuộc sống đầy đủ, sung túc cả năm nên được nhiều người chuộng vào các dịp Tết.
Cũng theo ông Xuân, đu đủ cảnh không chỉ là loại quả có hương vị thơm ngon mà còn là phương thuốc quý giúp mọi người luôn khỏe mạnh. Đu đủ có khả năng trổ hoa và đậu trái quanh năm, tuy có mùa ít hoặc không đậu trái. "Do vậy, để trồng đu đủ đạt năng suất cao, trái đẹp, hạn chế sâu bệnh, có thể bố trí trồng đu đủ vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 8. Đối với các vùng đất kém chủ động nước như bị ảnh hưởng của nước lũ cần trồng sau khi nước rút. Khi trồng, cây con phải đạt từ 20 -30 ngày tuổi" - ông Xuân chia sẻ.
Ông Xuân cho biết thêm, về chậu trồng cây đu đủ cảnh, bà con nên lựa chọn các chậu cây được làm bằng sứ hoặc các chậu xi măng chuyên dụng cho cây cảnh. Kích thước mỗi chậu phải đủ lớn để cây sinh trưởng và phát triển. Chậu phải có lỗ thoát nước, đảm bảo thoát nước tốt.
Cũng là người làm thành công hàng đu đủ bonsai, trung bình mỗi năm, nhà vườn của ông Phạm Văn Thi ở Văn Giang (Hưng Yên) đưa ra thị trường Tết hàng chục cây đu đủ bonsai, trong đó có nhiều cây giá trị lên đến cả chục triệu đồng.
Trả lời thắc mắc của nhiều nông dân là trồng cây gì bán Tết, ông Thi cho hay: Có nhiều loại cây trồng nhưng bà con có thể trồng thử đu đủ bonsai, đu đủ là loại cây dễ trồng, có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, để trồng cây đu đủ trong chậu, vừa làm kiểng, vừa làm cây ăn quả thì bà con nhất thiết phải trồng bằng cây con đã gieo ươm trong bầu, có thể mua giống cây đã gieo ươm trong bầu, cây giống to mập, khỏe, sạch bệnh có từ 4 đến 5 cặp lá, cao 10 đến 15cm, sau đó đưa về giâm lại trong vườn nhà, nơi cao ráo, thoáng mát.
"Hàng ngày chủ vườn phải tưới nhẹ, nên kết hợp phun cùng một số thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa nhện đỏ, rệp sáp và bệnh khảm. Khoảng 12 - 15 ngày sau giâm có thể đưa cây trồng lên chậu. Sau khi cây đã ổn định bộ rễ hãy trồng cây lên chậu. Dùng hỗn hợp đất, xỉ than đã chuẩn bị trước vào chậu và cách miệng 5 - 7cm. Bón lót phân chuồng trộn với một ít phân hóa học dưới đáy chậu. Nhấc nhẹ bầu cây, dùng dao sắc rạch nhẹ vừa đứt lớp vỏ bao bầu một đường từ trên xuống sát đáy bấu, để định hướng sự phát triển rễ cây trong chậu sau này" - ông Thi nói.
Theo ông Thi, cây đu đủ cảnh thường bị một số sâu, bệnh hại chính như nhện đỏ, rệp sáp, bệnh khảm, xoăn lá do Virus, có thể phòng trừ hiệu quả bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như Danitol 10EC; Ortus 5EC, Nitac 5EC... trừ nhện đỏ; Supracide, Suprathion, Applaud... trừ rệp sáp.
Cũng theo ông Thi, sau 25 – 30 ngày kể từ khi gieo trồng, bạn có thể tiến hành uốn cây. Dùng dây mềm chắc và to bản, không co dãn, buộc tại vị trí ¾ thân cây, sao cho cây ngả về hướng đã định, ghim cố định dây chặt xuống đất. Sau khoảng 3 tháng thì cây sẽ nghiêng 30 - 35 độ so với mặt đất.
"Trong quá trình thực hiện uốn cây đu đủ cần uốn cong từ từ, tránh làm gãy thân, xước vỏ và dùng cọc và dây mềm để buộc cố định cho đến khi cây phát triển ổn định. Với phương pháp này có thể làm cho cây có dạng thấp, ít tốn công chăm sóc" -ông Thi tiết lộ.
"Tết này dự kiến, nhà vườn của tôi đưa ra thị trường khoảng 40 - 50 chậu đu đủ bonsai, hứa hẹn sẽ đắt hàng. Bởi đây là mặt hàng mới và mang ý nghĩa trong ngày Tết nên gia đình tôi làm ra sản phẩm không bao giờ lo ế" - ông Thi tiết lộ thêm với phóng viên Dân Việt.