Tiếng Kinh không sõi, nhưng bà con dân tộc H’Mông đã biết làm sổ sách theo dõi lịch gieo hạt, ghi chép chính xác để biết các khoản thu - chi, tính toán thu nhập gia đình.
Thu trăm triệu nhờ vườn actiso
Gia đình anh Thào A Từ (người H’Mông ở thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sapa) bắt đầu trồng cây actiso từ 2011 tới nay. Đây là một trong những hộ dân điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình với nguồn thu nhập chính đến từ trồng cây dược liệu actiso.
Anh Thào A Từ cho biết, diện tích trồng actiso của gia đình ước tính trên 3.000 mét vuông. Gia đình anh có 4 con, hai con đã lập gia đình, hai con đi học. Trước đây, anh thường kiếm sống bằng cách làm thuê mọi việc nay đây mai đó còn vợ ở nhà. Thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn.
Actiso trồng tại Sapa có hoạt chất làm thuốc cao nhất so với actiso trồng tại các vùng miền khác trên cả nước |
Giờ, cả gia đình anh chăm chút vào cây actiso và trồng thêm rau trái vụ. Thu nhập từ actiso (khoảng 70-80 triệu/năm đã trừ các khoản chi phí) giúp vợ chồng anh mới cất được căn nhà làm hoàn toàn từ gỗ thông khang trang, ấm cúng trị giá 300 triệu đồng với đầy đủ vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, tủ lạnh và cả chiếc máy cày phục vụ việc làm đất.
Trên bức tường gỗ nhà anh Thào A Từ, “sổ theo dõi” với những bảng biểu đánh dấu ngày gieo hạt, bón phân hữu cơ, kiểm tra nước, ngày cắt lá,...
Cách nhà anh Từ không xa, trong ngôi nhà tuềnh toàng, anh Thào A Cáng chia sẻ kế hoạch chuẩn bị sửa nhà, mua thêm đất nhờ 3.000 mét vuông trồng actiso. Anh cũng sắm được máy cày để chủ động công việc sản xuất, mua xe máy điện cho con đi học lớp 11 và tiết lộ đã có sổ tiết kiệm 100 triệu đồng phòng khi đau ốm.
Mùa xuân là thời điểm năng suất lứa lá đạt cao nhất |
Vườn actiso của gia đình anh Má A Chu (thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa) sau 5 năm cho thu nhập ổn định khoảng 120 triệu/năm, trong đó riêng tiền bán lá là 70 triệu và phần còn lại từ hoa, thân lá actiso. Đến nay, cả 6 hộ gia đình chung quanh nhà anh cũng đã bỏ trồng lúa, chung ruộng đất với anh để mở rộng vườn actiso, kinh tế các gia đình đều khấm khá lên.
Những năm gần đây, cây actiso đang được nhiều hộ dân trồng thay thế cho cây lúa và các loại rau màu. Bởi, đây là loại thảo dược mang lại giá trị kinh tế cao, ít phải đầu tư chăm bón và có đầu ra ổn định, lại rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa.
Sau thời gian gieo hạt vào tháng 8 hàng năm, sau 2-2,5 tháng có thể cắt lá thu hoạch actiso; rồi cứ 25-30 ngày cho thu hoạch lứa lá tiếp theo, mỗi năm có khoảng 7-8 đợt cắt lá. Một kg lá actiso được thu mua với giá 2.000-2.200 đồng. Hiện một ha actiso có thể cho thu hoạch 40-50 tấn lá tươi/năm. Sau khi thu mua lá và chiết xuất dược liệu, bã dược liệu này lại được chuyển ngược trở lại cho bà con làm phân hữu cơ.
Vợ chồng anh Thào A Từ trong căn nhà gỗ mới dựng |
Làm giàu nhờ cây dược liệu
Cây actiso giờ đây đã phát triển thành vùng trồng dược liệu. Bà con dân tộc được hướng dẫn trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn GACP - WHO để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, bền vững. Ngoài đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát quy trình phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lá atiso còn phải qua kiểm nghiệm hoạt chất.
Quan trọng hơn, nhờ cây dược liệu này mà bà con dân tộc chuyển đổi thói quen canh tác, từ trồng tự phát sang chuyên canh có quy mô.
Mùa xuân là thời điểm năng suất lứa lá đạt cao nhất. Đây cũng là lúc những người nông dân trồng dược liệu actiso mong đợi khi đón nhận thành quả lao động với các khoản tiền được chi trả để tiết kiệm hay mua sắm các vật dụng trong nhà, trang trải đời sống,...
Nhận thấy rõ tiềm năng kinh tế từ cây atiso, huyện Sapa đưa loại cây trồng này vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo.
Thu nhập từ actiso giúp vợ chồng anh Thào A Từ cất được căn nhà làm hoàn toàn từ gỗ thông trị giá 300 triệu đồng |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai, cho biết, thu nhập từ cây actiso cao gấp nhiều lần trồng lúa và ngô. Hiện tổng diện tích trồng actiso ở Sa Pa đạt hơn 70ha với hàng trăm hộ dân tham gia trồng, trong đó 80% là dân tộc ít người.
Theo ông Tuấn, với năng suất ở mức trung bình, một năm, một ha trồng lúa cho thu nhập 25 triệu đồng/vụ. Còn một ha trồng dược liệu actiso cho thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng. Kể từ khi chuyển sang, đời sống đồng bào đã được cải thiện rất nhiều. Cây actiso trở thành cây xóa nghèo và làm giàu.
Để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra, sản phẩm cho chất lượng đảm bảo, mô hình “4 nhà” được áp dụng rộng rãi tại các huyện Sapa, Bắc Hà. Đó là sự kết hợp giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông. Chính quyền hỗ trợ tích cực, doanh nghiệp hợp đồng với bà con phải cam kết và đảm bảo đầu ra, ngoài ra còn hỗ trợ phân bón, giống cây trồng cho người sản xuất; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các khâu cần thiết.
Actiso trồng tại Sapa có hoạt chất làm thuốc cao nhất so với actiso trồng tại các vùng miền khác trên cả nước. Hoạt chất trong lá có giá trị làm thuốc tốt nhất trong khi các vùng trồng khác, actiso thường chỉ làm thực phẩm hoặc trà uống.
Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai bày tỏ hy vọng, tới đây, Sapa sẽ không chỉ được biết đến như một vùng trọng điểm về du lịch mà còn là vùng trọng điểm về cây dược liệu của Việt Nam.
Bảo Đức