Nhiều năm trở lại đây, tận dụng những đồng cỏ mọc xanh mướt trên các triền núi đồi, nhiều hộ dân ở xã Tà Hộc đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi bò giống địa phương thả đồi, nhờ đó thu nhập kinh tế của bà con ngày càng nâng cao và ổn định.
Gia đình Lò Văn Phỏng là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế theo mô hình nuôi bò thả đồi ở xã Tà Hộc. Hiện nay gia đình anh sở hữu số lượng đàn bò lên tới 20 con, có thể nói đây là 1 tài sàn lớn đối với đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây...
Hiện mô hình nuôi bò thả đổi, đang phát triển mạnh ở xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).
Anh Phỏng kể: “Từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ lên nương rẫy chăn thả bò, nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc đàn bò. Trong tư duy của tôi lúc nào cũng nghĩ, nếu sau này lập gia đình tôi sẽ mua bò về nuôi để tăng gia sản xuất, thay vì quanh năm làm nương ngô vất vả mà giá cả lại bấp bênh.
Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, tôi được bố mẹ cho 1 con bò giống làm vốn liếng. Để có tiền mua thêm bò giống, vợ chồng tôi chăm chỉ làm nương rẫy, sau đó tích cóp vốn mua thêm 3 con bò giống ở bản Mông về nuôi. Khoảng 2 năm sau, 4 con bò đẻ được 4 con bê khỏe mạnh, cảm giác của tôi lúc đó rất sung sướng, vì từ nay sẽ có cơ hội vươn lên làm giàu”.
Anh Phỏng cho hay: "Sau khi đàn bò lên đồi ăn cỏ về, lúc nhốt bò vào chuồng tôi bổ sung thêm thức ăn để đàn bỏ có đủ chất dinh dưỡng".
Tận dụng đất nương rộng lớn, hàng ngày vợ chồng anh Phỏng đều thay phiên nhau lùa đàn bò lên đồi ăn cỏ, đến khi trời chập tối thì lùa đàn bò về chuồng. Mới đầu gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trông nom đàn bò. Nếu thả lên đồi mà không có người theo sát 24/24 thì bò sẽ vào nương ngô, nương sắn của người dân trong bản.
Để giải quyết những khó khăn trên, anh Phỏng nhờ anh em họ hàng chặt tre rào xung quanh nương để đàn bò không đi lạc vào nương rẫy của người dân. Sau đó anh trồng cỏ voi trên 3ha diện tích nương bố mẹ chia cho trước đó, để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò, nhờ vậy mà những khó khăn của anh đã được giải quyết.
Nhờ diện tích nương rẫy rộng lớn, lượng thức ăn dồi dào, đàn bò của anh Phỏng đều béo ú.
Theo kinh nghiệm nuôi bò của anh Phỏng, để chăn nuôi bò đem lại hiệu quả cao thì việc lựa chọn con giống tốt và cách chăm sóc là hai yếu tố quyết định. Còn để bò chóng lớn, người chăn nuôi phải kết hợp cho bò ăn thức ăn thô với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của bò. Sau 6 tháng, người nuôi phải tiềm phòng dịch bệnh cho đàn bò.
Để đàn bò không đi lạc vào nương ngô, nương sắn của bà con trong bản, anh Phỏng nhờ anh em họ hàng chặt tre rào xung quanh nương rẫy.
“Tôi nuôi bò theo kiểu thả đồi, vì trên nương rẫy của gia đình tôi khá rộng, các loại cỏ mọc rất nhiều nên lượng thức ăn tương đối dồi dào, đủ cho đàn bò của gia đình ăn quanh năm. Thấy số lượng đàn bò của gia đình tôi nhiều, con nào con nấy đều béo ú, nhiều thương lái đánh xe tải về tận nhà hỏi mua, nhưng tôi không muốn bán. Trung bình 1 năm bò đẻ 1 lứa, sau hơn chục năm nuôi bò gia đình tôi sở hữu 20 con bò. Nếu giờ tôi bán ra thị trường cũng thu về hơn 200 triệu đồng đấy.
Ngày nào tôi cũng nhìn thấy từng con bò nối đuôi nhau lên đồi ăn cỏ, thấy đã mắt lắm. Cũng có nhiều người khuyên tôi bán bớt đi, để chăm sóc nhàn nhạ hơn nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Nếu bán bớt đi thì tiếc lắm, chỉ khi nào có việc cần thiết lắm tôi mới bán bớt đi thôi. ”- anh Lò Văn Phỏng chia sẻ.
Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi đã mang đến thành công cho anh Lò Văn Phỏng trong phát triển kinh tế.
Để bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò, anh Phỏng trồng thêm 3 ha cỏ voi, tích trữ thêm rơm khô, thân cây ngô già, ủ ướp làm thức ăn dự trữ.
Với cách làm hay, mô hình nuôi bò thả đồi của anh Phỏng đã được nhiều hộ trong bản học tập theo. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn tận tình hướng dẫn bà con trong bản cách chăm sóc bò, vì vậy anh Phỏng luôn được người dân trong bản quý mến.
Ngoài sở hữu khối tài sản lớn là đàn bò ra, anh Phỏng còn trồng thêm sắn, nuôi dê, lợn mán để dạng hóa nguồn thu nhập và khai thác hết tiềm năng đất đai, lao động. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng dư giả, nhà cửa đều được xây dựng khang trang.