Có mặt tại cánh đồng trồng dưa chuột với diện tích rộng hàng chục ha thuộc thôn 1, xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi thấy tấp nập của bà con nơi đây khi đang chăm sóc cho từng gốc, nhánh cây dưa chuột.
Qua theo dõi thời tiết tại tỉnh Thanh Hóa nhiều ngày tới nắng nóng, ông Hoàng Nho Khánh đã chủ động bơm nước từ dưới mương để tưới cho 3 sào dưa chuột chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Vũ Thượng
Vừa đặt máy bơm xuống đất để chuẩn bị đưa nước vào tưới cho những luống dưa chuột, ông Hoàng Nho Khánh (thôn 1, xã Hà Lĩnh) cho biết: "Thời tiết hôm nay tại tỉnh Thanh Hóa dự báo nắng nóng, nên ngay từ sáng sớm tôi đã chủ động vận chuyển máy ra đồng bơm nước tưới cho cây dưa. Hiện nay, tôi đang trồng 3 sào dưa chuột, cứ 1 năm trồng 2 vụ, mỗi vụ trừ mọi chi phí gia đình cũng thu về khoảng 6 triệu đồng/sào/vụ".
Nếu chăm sóc tốt, một vụ dưa chuột thu lời 6 triệu đồng/sào. Ảnh: Vũ Thượng
"Các tỉnh phía Bắc thường trồng dưa chuột vào 2 vụ chính, vụ xuân bắt đầu từ tháng 20/2-15/3 và vụ thu đông từ tháng 10/9-10/10. Cây dưa chuột là loại cây dễ trồng, chăm sóc thì mất ít thời gian hơn những cây khác, chủ yếu đầu tư ban đầu là bộ giàn nứa, tre dóc cho dưa leo khoảng từ 3-4 triệu đồng/sào, nếu bảo quản tốt có thể dùng cho 2-3 năm", ông Hoàng Nho Khánh cho biết thêm:
Dưa chuột cây đòi hỏi tương đối nhiều nước, nếu trời nắng nên tưới 2 lần/ngày. Ảnh: Vũ Thư
Cũng có mặt trên cánh đồng trồng dưa chuột, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với bà Trịnh Thị Lân (66 tuổi, thôn 1, xã Hà Lĩnh). Bà Lân cho biết: "Gia đình tôi đang trồng 1 sào dưa chuột, giá bán tùy từng thời điểm từ 8-10.000 đồng/kg, sau một vụ dưa chuột cũng bỏ túi 5-6 triệu đồng/sào. Dưa chuột là cây ưa ẩm, đòi hỏi tương đối nhiều nước, nếu trời nắng phải tưới nước 2 lần/ngày. Việc tưới nước cho dưa chuột hợp lý là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng trái dưa".
Khoảng cách trồng dưa chuột cây cách nhau 30 cm. Ảnh: Vũ Thượng
Nói về kỹ thuật, bà Trịnh Thị Lân với 40 năm kinh nghiệm trồng dưa chuột chia sẻ: "Để cây dưa chuột đạt năng suất cao trước tiên phải làm đất tươi xốp, độ pH 5,7-7. pH dưới 5,7 dưa không sống nổi. Hạt giống dưa ngâm nước ấm trong khoảng 4-6 tiếng. Sau đó, vớt hạt giống ra, ủ trong khăn ẩm và cho vào túi nilon buộc chặt. Sau khoảng 2 ngày hạt giống sẽ nảy mầm. Khoảng cách trồng dưa chuột thường hàng cách hàng 60 cm, cây cách cây 30 cm là tốt nhất".
Dùng túi nilon phủ lên luống dưa nhằm giữ ẩm, hạn chế cỏ mọc... Ảnh: Vũ Thượng
Cũng theo bà Lân, có thể ươm hạt giống dưa chuột trong thùng xốp có cát ẩm, khi cây con ra 2 lá cứng cáp, thì tiến hành chuyển cây xuống ruộng trồng. Để giảm bớt chi phí cho công làm cỏ thì có thể che màng phủ nilon lên trên mỗi luống dưa chuột. Sau khoảng gần 20 ngày, cây đã lớn, cần buộc dây hoặc làm giàn để dưa bám và leo lên trên.
Sau 20 ngày trồng xuống đất, dưa chuột bắt đầu bám vào giàn nứa. Ảnh: Vũ Thượng
Bà con nông dân lưu ý, sau khi dưa chuột phát triển thân lá và các tua cuốn dài nhanh trong 2 tuần đầu sau khi trồng. Cần tiến hành làm giàn và tỉa nhánh đúng kỹ thuật nhằm tăng năng suất, kích thước trái dưa chuột, làm giảm sâu bệnh, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Khi cây dưa chuột cao khoảng 30cm và có tua cuốn nên tiến hành làm giàn.
Đầu tư giàn nứa một lần dùng tới 4-5 vụ dưa. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Hoàng Văn Cát (thôn 1, xã Hà Lĩnh) với 30 năm trồng dưa chuột trực tiếp chia sẻ cách làm giàn nứa giúp cây dưa chuột phát triển tốt, gió to không bị quật đổ như sau:
Cách làm giàn cho dưa chuột leo kiểu chữ A. Ảnh: Vũ Thượng
"Sau lần vun gốc kỳ thứ 2, cây dưa chuột bắt đầu bỏ vòi thì nên làm giàn. Cần cắm giàn leo theo kiểu chữ A, cao 1-1,5m làm bằng nhánh tre, nứa đã rụng hết lá. Hai cây cắm chéo nhau tạo thành hình chữ A, sau đó cố định phía trên bằng 1 cây nằm ngang, giữ cho giàn vững chắc không bị đổ. Sau khi làm giàn chừng 3 hôm, dưa sẽ có nụ đầu tiên nhưng không đậu quả. Dưa chuột sẽ cho trái ở những kỳ nụ sau".
Sau khi làm giàn chừng 3 hôm dưa chuột sẽ cho ra nụ đầu nhưng không đậu quả. Ảnh: Vũ Thượng
Phân bón cho dưa chuột chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục kết hợp các loại phân hữu cơ khác. Các bệnh cây dưa chuột hay bị mắc phải như: Rầy mềm, bệnh rủ lá, sâu ăn lá...nên trong quá trình chăm sóc, người trồng dưa chuột cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo năng suất cao.
Thường xuyên theo dõi vườn dưa để có biện pháp chăm sóc kịp thời. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hoàng Đình Thái-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lĩnh cho biết: "Hiện nay, toàn xã Hà Lĩnh có diện tích trồng dưa chuột khoảng 40 ha, với gần 200 hộ tham gia trồng. Dưa chuột được các thương lái đến tận ruộng thu mua, giá bán từng thời điểm từ 8-10.000 đồng/kg. Qua nhiều năm trồng dưa chuột, chúng tôi đánh giá đây là cây cho năng suất cao, chi phí đầu tư thấp và đem lại nguồn thu đáng kể bà con nông dân sau mỗi vụ". |