Trong khi đại dịch Covid-19 đang tàn phá khắp các nền kinh tế, các thị trường và khiến không ít người mất đi tài sản, tổng cộng 3 nhà sáng lập của 1 công ty sản xuất máy thở đã có thêm 7 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu của Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics Co. đã tăng 40% nhờ nhu cầu tăng vọt đối với loại thiết bị y tế quan trọng này. Covid-19, căn bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã khiến các bệnh viện trên khắp thế giới quá tải với quá nhiều bệnh nhân không thể thở nổi và cần phải có sự trợ giúp của máy móc.
Tài sản ròng của Chủ tịch Li Xiting, người giàu nhất Singapore, đã tăng thêm 3,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay. Tính đến cuối ngày 2/4, tổng tài sản của ông là 12,5 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index. Ông lọt vào top 5 tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất thế giới, trong đó người đứng đầu cũng là tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos. Trong cùng kỳ tài sản của Bill Gates giảm 15,3 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu phơi trần thực trạng là thế giới rất thiếu máy thở - thiết bị mà các bác sĩ cần phải dựa vào để cứu sống những bệnh nhân nặng. Trong khi các công ty ô tô từ Ford đến General Motors cũng bước vào cuộc chạy đua sản xuất máy thở, Chủ tịch hội đồng quản trị của Mindray - Li Wenmei – cho biết nhu cầu toàn cầu lớn gấp ít nhất là 10 lần con số hiện có tại các bệnh viện. Mới đây nhất, Thống đốc New York Andrew Cuomo nói rằng New York chỉ có đủ máy thở cho bệnh nhân trong 6 ngày nữa.
Hiện số người thiệt mạng vì SARS – CoV2 trên toàn cầu đã vượt quá con số 52.000, với hơn 1 triệu người nhiễm. Italy và Tây Ban Nha là 2 nước bị nặng nhất ở châu Âu, nhưng Mỹ đang là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới. Tổng thống Trump thậm chí cảnh báo có thể có ít nhất 100.000 người chết ở đây.
Ước tính bi quan nhất cho rằng khoảng 960.000 bệnh nhân sẽ cần đến máy thở hỗ trợ ở Mỹ, nhưng cả nước Mỹ chỉ có khoảng 200.000 máy thở. Ở Italy, nơi có nhiều ca tử vong nhất thế giới, tình trạng thiếu máy thở trầm trọng buộc các bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân để cứu sống.
Cho đến cuối tháng trước, những chiếc máy thở do Mindray sản xuất vẫn chưa được cấp phép vào thị trường Mỹ nhưng FDA vừa cấp phép theo đạo luật khẩn cấp để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt. Động thái này càng giúp triển vọng của Mindray trở nên tươi sáng hơn.
Mỗi tháng Mindray sản xuất 3.000 chiếc máy thở và đây không phải là nhà sản xuất duy nhất ở Trung Quốc. Tháng trước Beijing Aeonmed cũng mới được FDA cấp phép. Cổ phiếu của Jiangsu Yuyue Medical Equipment & Supply, một nhà sản xuất khác, đã tăng 91% từ đầu năm đến nay, nâng giá trị vốn hóa của công ty lên 5,5 tỷ USD.
Những đối thủ khổng lồ
Mặc dù Mindray, với giá trị vốn hóa 44 tỷ USD, bị nuốt trọn bởi những ông lớn khác trong ngành thiết bị y tế, công ty đến từ Trung Quốc có tiềm năng lớn để mở rộng thị phần, theo nhận định của Nikkie Lu, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất, Mindray cho biết lượng đơn đặt hàng từ châu Âu đã tăng mạnh, với Italy đã mua lô 10.000 thiết bị gồm cả máy thở và máy monitors.
Mindray có 17 chi nhánh ở Trung Quốc và hoạt động tại 30 quốc gia, sản xuất hệ thống theo dõi sức khỏe, máy thở, máy khử rung tim, máy gây mê và hệ thống tiêm truyền. Công ty có đội ngũ bán hàng trực tiếp ở Mỹ và có nhiều đối tác toàn cầu lâu năm như Mayo Clinic, bệnh viện Johns Hopkins , bệnh viện đa khoa Massachusetts và Cleveland Clinic.
Đà tăng tài sản của Li, người sang lập ra công ty năm 1991 cùng với 2 người khác là ông Xu và ông Cheng, đối lập với đà lao dốc của những tỷ phú khác ở châu Á. Ví dụ, tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Li Ka-shing đã mất 7,1 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh kinh tế Hồng Kông suy thoái do bị ảnh hưởng bởi biểu tình và giờ là dịch bệnh.
Tất nhiên cơn sốt máy thở sẽ không kéo dài mãi mãi. Dù nhu cầu về thiết bị trợ thở tăng lên do dân số già hóa, quy mô cũng không thể so sánh với đợt khủng hoảng này. Khi dịch bệnh qua đi, doanh thu của Midray cũng sẽ sụt giảm, nhưng bao giờ chuyện đó xảy ra là câu hỏi chưa có lời giải đáp, ít nhất là trong ngắn hạn.