Tại hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 21/12, Tập đoàn công bố con số lỗ ước tính trong năm 2022 là 31.360 tỉ đồng.
Trước đó, EVN từng cho biết do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN từng nói “Chúng tôi đạt kế hoạch sản lượng, doanh thu nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ. Giá than nhập khẩu tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng 3 lần so với đầu năm 2022. Việc này khiến chi phí của EVN tăng lên 47.000 tỷ đồng trong năm 2022. Giá khí ăn theo giá dầu tăng 5.500 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 180 đồng”.
Trái ngược với tình hình khó khăn của EVN, kết thúc quý 3/2022, nhiều doanh nghiệp ngành điện báo lãi lớn, tăng trưởng cao vượt bậc. Trong đó, nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm tăng bằng lần, phần lớn trong số đó là các công ty thuỷ điện. Các doanh nghiệp điện có tốc độ tăng trưởng tốt nhất là Thuỷ điện Miền Trung (mã CK: CHP) tăng 21 lần, Thuỷ điện Bắc Hà (mã CK: BHA) tăng 6 lần, Thuỷ điện Hủa Na (mã CK: HNA) tăng gần 4 lần, ...
Các công ty thủy điện có công suất vào loại lớn nhất trên sàn như Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (EVN DHD - DNH) hay Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) cũng tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đa ngành mà mảng năng lượng chỉ là một trong nhiều hoạt động kinh doanh chính như REE, Hà Đô hay PC1... cũng được có sự khởi sắc, chủ yếu là nhờ có thể các dự án điện gió hay điện mặt trời đi vào hoạt động.
Thuỷ điện cũng chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu bán điện của Cơ điện lạnh (REE). Doanh thu từ bán điện 9 tháng đầu năm của REE đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ. Lãi ròng từ bán điện của REE cũng tăng 153% lên 1.184 tỷ đồng, đóng góp phần lớn vào lãi ròng hợp nhất của công ty.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như PC1, HDG trong 9 tháng đầu năm còn được cứu cánh nhờ mảng điện tăng cao khi mảng kinh doanh chủ đạo giảm sút. Cụ thể, doanh thu từ mảng kinh doanh điện của PC1 tăng 148%, đạt 1.244 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán điện của PC1 đạt 678 tỷ đồng, là mảng mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất 9 tháng đầu năm, vượt mảng xây lắp. Tương tự PC1, dù doanh thu chính đến từ mảng xây lắp nhưng lợi nhuận gộp của yếu của Đạt Phương Group (DPG) lại đến từ mảng sản xuất điện.
Mảng điện cũng chiếm đến 60% lợi nhuận gộp của Hà Đô Group (HDG) khi mảng bất động sản giảm sút, nhờ đó, HDG vẫn lãi 1.040 tỷ đồng trong quý 3, tăng 43% so với cùng kỳ.