Chỉ số PCI (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam, với điểm số PCI tổng hợp năm 2021 đạt 73,02 điểm, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2021. Như vậy, Quảng Ninh đã là quán quân của chỉ số này trong 5 năm liên tiếp.
Song, điểm đáng chú ý của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay đó là sự thay đổi ngoạn mục về điểm số lẫn thứ hạng của một số địa phương. Theo đó, Hải Dương, Bình Định và Vĩnh Phúc là 3 địa phương có mức độ thay đổi thứ hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cụ thể, Bình Định đã tăng 26 bậc, từ vị trí thứ 37 năm 2020 lên vị trí 11 trong năm 2021, đạt 68,32 điểm. Trong số các chỉ tiêu đánh giá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm được ghi nhận là chỉ số thành phần có điểm đánh giá tăng cao nhất trong so với năm 2020, từ 5,54 điểm (2020) lên 7,13 điểm (2020).
Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của Bình Định giai đoạn 2017-2021. Nguồn: PCI
Tiếp theo là Vĩnh Phúc, nếu như trong giai đoạn 2017-2020, PCI của tỉnh liên tục tụt hạng, từ vị trí thứ 12 trong năm 2017 xuống vị trí thứ 29 trong năm 2020, thì sang đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã lội ngược dòng quay trở lại bảng xếp hạng. Với số điểm là 69,69, tỉnh đã tăng 24 bậc, từ vị trí 29 năm 2020 lên vị trí thứ 5 năm 2021.
Để có được kết quả này, trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 cuộc khảo sát lớn, trong đó có 5 cuộc khảo sát online để thu thập về những phản hồi khó khăn của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, tiếp cận tín dụng, lao động và tìm kiếm chính sách, giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.
Kết quả, Vĩnh Phúc đã cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước); Chi phí không chính thức (xếp thứ 3); Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7).
Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2021. Nguồn: PCI
Đáng chú ý, trong số các địa phương có mức độ thay đổi thứ hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hải Dương là địa phương có mức tăng ấn tượng nhất. Hải Dương đã vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng, tăng 34 bậc (năm 2020, Hải Dương đứng thứ 47 trong cả nước); đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, Hải Dương đã thăng hạng từ vị trí giữa của nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình, lên đứng đầu nhóm 20 địa phương có chất lượng điều hành khá; chỉ cách địa phương đứng thứ 10 (nhóm có chất lượng điều hành tốt) là 0,95 điểm. Hải Dương cũng là một trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng kết cấu hạ tầng tốt trên cả nước.
Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của Hải Dương giai đoạn 2017-2021. Nguồn: PCI
Để đạt được bước nhảy vọt về thứ hạng này, Hải Dương đã có sự cải thiện điểm số mạnh ở nhiều chỉ số thành phần, từ đó giúp tổng điểm tăng 5,13 điểm so với năm 2020 và tăng 7,29 điểm so với năm 2017.
Ngoài 3 địa phương kể trên, bảng xếp hạng PCI 2021 cũng ghi nhận sự thay đổi thứ hạng đáng kể của một số tỉnh, thành phố khác như Nam Định (tăng 16 bậc, xếp vị trí 24/63); Lạng Sơn (tăng 13 bậc, xếp vị trí 36/63); Hưng Yên (tăng 14 bậc, xếp vị trí 39/63)...